Kiểm tra định kỳ việc đảm bảo an toàn thực phẩm cơ sở nuôi ong tại huyện Tân Kỳ

Thứ ba - 30/05/2023 05:22 211 0
Thực hiện theo Quyết định số 11/2021/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2021 của UBND tỉnh Nghệ An, Chi cục Chăn nuôi và Thú y được giao nhiệm vụ quản lý, cấp giấy chứng nhận ATTP cho các cơ sở sản xuất ban đầu về chăn nuôi.
Hàng năm căn cứ vào Quyết định số 11/2021/QĐ-UBND, Chi cục đã tổ chức thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở chăn nuôi như lợn, gia cầm, ong mật,...Theo điều 9, Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT về tần suất thẩm định định kỳ hàng năm; Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã thành lập Đoàn thẩm định kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm chuỗi cơ sở sản xuất chăn nuôi ong tại huyện Tân Kỳ nhằm thực hiện hoạt động đánh giá duy trì các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.


Ảnh 1: Các tổ ong của Tổ hợp tác sản xuất Mật ong xã Nghĩa Đồng

Tại 4 hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi ong ở các xã Nghĩa Bình, xã Nghĩa Đồng, xã Kỳ Tân và xã Nghĩa Hành, qua kiểm tra các nội dung việc thực hiện các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở, đoàn đánh giá kết luận đa số các tiêu chuẩn về điều kiện môi trường, quy mô chuồng trại… đạt yêu cầu. Tuy nhiên, các cơ sở chăn nuôi vẫn còn một số thiếu sót như dụng cụ quay mật chưa có nắp đậy, một số cơ sở ghi chép và lưu giữ hồ sơ còn chưa được đầy đủ; yêu cầu các cơ sở nghiêm túc bổ sung các thiếu sót mà đoàn đã nêu ra. Đoàn cũng đã phổ biến thêm các quy định về quản lý nuôi ong mật tại Điều 65 Luật chăn nuôi và các văn bản liên quan:
- Về con giống: đàn ong nuôi lấy mật là đàn ong đã được thuần hóa và phải bảo đảm an toàn dịch bệnh;
- Về kỹ thuật chăm sóc: nuôi ong lấy mật phải bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn ong, vệ sinh môi trường nơi nuôi ong, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm khai thác từ ong mật;
- Về khoảng cách giữa các điểm đặt ong mật, phương thức di chuyển đàn ong mật: các cơ sở chăn nuôi ong xác định điểm đặt tổ ong và di chuyển đàn ong mật theo điều 6, Thông tư số 23/2020/TT-BNNPTNT


Ảnh 2: Dụng cụ quay mật của một cơ sở tại huyện Tân Kỳ

Ngoài ra, Đoàn cũng thu thập kiến nghị của chủ cơ sở đến ngành chức năng tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm và mở lớp tập huấn trang bị kiến thức cho người chăn nuôi, góp phần sản xuất đúng hướng, đảm bảo an toàn cho sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ trên thị trường. Người chăn nuôi cũng rất cần sự hỗ trợ của cơ quan các cấp, các ngành trong việc quảng bá sản phẩm, nhiều người dân cho hay người mua chưa tiếp cận được các sản phẩm của địa phương mình sản xuất.
Thông qua việc tuyên truyền, đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, ý thức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như người dân đối với vấn đề toàn thực phẩm đã được nâng cao. Việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm ngày càng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Công tác cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm sẽ là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng, hướng đến việc mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Quốc Sỹ-Phòng Quản lý giống và KTCN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây