Hướng dẫn một số quy định xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi

Thứ ba - 20/06/2023 23:30 317 0
Nghệ An là một trong những tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước, đa dạng các loại vật nuôi. Trong thời gian qua, ngành chăn nuôi của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; năng suất và chất lượng các loại sản phẩm thịt, trứng, sữa không ngừng được nâng lên; đã hình thành một số vùng, cơ sở sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi; chăn nuôi theo hướng sản xuất theo chuỗi giá trị tiếp tục phát triển. Năm 2022, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt hơn 14 nghìn 349 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 6,24%; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp thuần tăng khá, ước đạt 48,25%.
Thời gian qua vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt. Hiện nay trên địa bàn tỉnh các cơ sở chăn nuôi trang trại đã áp dụng tốt các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi như sử dụng hầm biogas, đệm lót sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học,.... Tuy nhiên, bên cạnh đó một số trang trại vẫn còn để xẩy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, một số chưa hoàn thiện các quy định về bảo vệ môi trường đã đưa vào hoạt động chăn nuôi,….ảnh hưởng đến môi trường sống.
Hiện nay, Luật Chăn nuôi đã nghiêm cấm các hành vi xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi như sau:
1. Quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại
a) Về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng.
- Đối với các chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.
b) Các loại vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
c) Đối với xử lý nước thải chăn nuôi được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường theo Quy chuẩn 62-MT:2016/BTNMT Quy chuẩn quốc gia về nước thải chăn nuôi ban hành theo Thông tư số 04/2016/TT-BTNMT ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây trồng theo Quy chuẩn 01-195-2022/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng ban hành Thông tư 28/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022.
- Nước thải chăn nuôi chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.
d) Đối với xử lý khí thải: Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ s chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.
       Đồng thời, theo quy định tại Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 3 - 5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 5 - 7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Đối với hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải chăn nuôi cho cây trồng bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 5 - 7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 7 - 10 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn.
2. Quy định về xlý chất thải trong chăn nuôi nông hộ
Đối với chăn nuôi nông hộ yêu cầu phải thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi như sau:
- Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh;
- Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
        Nếu cơ sở chăn nuôi nông hộ vi phạm về xử lý chất thải chăn nuôi thì theo quy định của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 sẽ xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh./.
        
                                                                Võ Ba - Phòng Quản lý Giống và KTCN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây