“KHÔNG THỜ Ơ VỚI BỆNH DẠI”

Thứ tư - 07/06/2023 23:45 223 0
Tỉnh Nghệ An có tổng đàn chó lớn nhất cả nước gần 400 con, chó được nuôi phổ biến ở các hộ gia đình để giữ nhà, thường thả rông. Hiện nay nhiều hộ gia đình có xu hướng nuôi chó, mèo cảnh đặc biệt ở các vùng đô thị như thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa,... Chó, mèo là động vật gần gũi với con người, tuy nhiên mang tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh Dại cho người rất lớn. đặc biệt là các chó, mèo không được tiêm phòng vắc xin Dại đầy đủ. Vào mùa hè, thời tiết nắng nực có những ngày những vùng thời tiết lên tới 42 độ C, làm giảm sức đề kháng của chó, mèo, mầm bệnh xâm nhập và gây nên bệnh Dại.
“KHÔNG THỜ Ơ VỚI BỆNH DẠI”
Bệnh Dại là bệnh truyền lây chung giữa động vật và người. Vi rút dại gây viêm não ở người và động vật có vú khác gây nên các triệu chứng thần kinh. Bệnh lây truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của chó, mèo mắc bệnh Dại. Ổ chứa vi rút dại chủ yếu là chó (chiếm 96-97%) và mèo, dơi,... (chiếm 4-3%). Con người khi bị phơi nhiễm bệnh Dại, nếu không được điều trị dự phòng kịp thời thì dẫn đến cái chết đầy thảm khốc, ám ảnh suốt đời. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã xếp bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có số người tử vong cao chỉ đứng sau bệnh Covid 19.
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 ổ bệnh Dại trên động vật tại các huyện Nam Đàn, Quỳ Châu, Con Cuông. Kết quả giám sát bệnh Dại của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy nhiều địa phương có tỷ lệ lưu hành bệnh Dại lớn. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có trên 3.500 người bị chó, mèo nghi mắc bệnh Dại cắn phải đi điều trị dự phòng bệnh dại, đã có 05 người tử vong vì bệnh Dại.
Căn cứ vào tình hình thực tế và các văn chỉ đạo của Trung ương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 11/5/2023 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại, yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Vinh triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trong đó chú trọng: công tác tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo nuôi đảm bảo đạt từ 70% tổng đàn trở lên để tạo miễn dịch quần thể, giảm tối đa vi rút dại lưu hành trong quần thể chó, mèo nuôi; Quản lý tốt đàn chó, mèo nuôi, chó, mèo ra nơi công cộng có người dắt, rọ mõm, không thả rông; Thường xuyên giám sát dịch bệnh dại, lấy mẫu các trường hợp chó, mèo nghi ngờ mắc bệnh Dại để xét nghiệm xác định nguyên nhân, triển khai các biện pháp kịp thời trên cả con người.




Hình ảnh: Điều tra bệnh Dại tại xã Thượng Tân Lộc - huyện Nam Đàn
Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thành, thị trên cả tỉnh, đến thời điểm hiện nay tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo đang ở mức thấp đạt dưới 50% tổng đàn.
Thời gian tới thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của đàn vật nuôi làm giảm sức đề kháng. Cùng với đó mầm bệnh vi rút Dại lưu hành trong quần thể vật nuôi lớn đặc biệt các chó, mèo hoang, vô chủ, thả rông, nguy cơ bệnh Dại tiềm ẩn lớn.
Để chủ động phòng, chống bệnh Dại hiệu quả giảm thiểu tối đa và tiến tới không có người chết vì bệnh Dại đòi hỏi các cấp, các ngành, người dân phải chung tay vào thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại. Cụ thể:
- Chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý đàn chó, mèo; Tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo đạt từ 70% tổng đàn trở lên; Y tế và Thú y phối hợp thường xuyên chia sẻ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Dại cả ở người và động vật để kịp thời điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh; Xử phạt nghiêm các hành vi cố tình không chấp hành công tác phòng, chống bệnh Dại như nuôi chó, mèo không kê khai đăng ký với chính quyền cấp xã, thả rông chó ra nơi công cộng không có dây xích, người dắt, rọ mõm, không thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo định kỹ mỗi năm 1 lần, các hoạt động điều trị bệnh Dại cho người bằng các loại thuốc chưa được Y tế công nhận, cấp phép; Tuyên truyền bằng nhiều hình thức về sự nguy hiểm của bệnh Dại, các quy định về nuôi chó, mèo và phòng, chống bệnh dại để nhân dân hiểu biết và thực hiện tốt.
 
 
Hình ảnh: Ghi phiếu chứng nhận tiêm phòng Dại cho chó, mèo
 
Hình ảnh: Hướng dẫn tiêm phòng bệnh Dại cho Thú y cơ sở
- Các tổ chức, cá nhân khi nuôi chó, mèo phải kê khai hoạt động chăn nuôi và cam kết việc nuôi chó theo đúng quy định của pháp luật với chính quyền địa phương; nuôi nhốt chó trong khuôn viên gia đình, ra nơi công cộng có dây xích, người dắt, rọ mõm phù hợp; định kỳ mỗi năm 1 lần tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo; khi thấy có chó, mèo có biểu hiện nghi ngờ bệnh Dại phải báo ngay cho chính quyền sở tại hoặc thú y cấp xã để giám sát, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh. Khi người bị chó mèo cào, cắn phải đến ngay trung tâm Y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng bệnh Dại, tuyệt đối không được tìm đến các thầy lang chữa bệnh Dại bằng thuốc nam hay dùng thuốc thử bệnh dại./.
                                                                                                                                   Thu Nguyệt – Phòng Quản lý dịch bệnh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây