BỆNH VI BÀO TỬ TRÙNG TRÊN TÔM NUÔI- NỖI LO CỦA NGƯỜI NUÔI TÔM NGHỆ AN

Thứ sáu - 09/06/2023 03:53 331 0
Trong những năm gần đây, người nuôi tôm Nghệ An gặp nhiều khó khăn do môi trường, dịch bệnh, thời tiết. Trên tôm thẻ chân trắng thường xảy ra các loại bệnh như Đốm trắng, Hoại tử gan tụy cấp tính, Vi bào tử trùng (EHP), trong đó bệnh do EHP gây ra nhiều thiệt hại nhất, bệnh không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nên khó phát hiện bằng cách thông thường, EHP bám vào và ký sinh trong gan, tụy hấp thụ các chất dinh dưỡng làm tôm yếu, chậm phát triển, từ đó nhiều bệnh khác có cơ hội xâm nhập vào cơ thể vật nuôi. Thời gian nuôi dài ngày nhưng tôm chậm phát triển gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm.
BỆNH VI BÀO TỬ TRÙNG TRÊN TÔM NUÔI- NỖI LO CỦA NGƯỜI NUÔI TÔM NGHỆ AN
EHP là bệnh do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei gây ra, ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm, làm tôm chậm lớn và có thể ngừng lớn. Hiện nay thực tế tại các vùng nuôi tôm Nghệ An, EHP đã lưu cữu ngoài môi trường và trong ao nuôi với tỉ lệ rất cao, theo kết quả giám sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An năm 2022 thì tại một Trại ương dưỡng giống và một số cơ sở nuôi đã xuất hiện bệnh EHP; Kết quả quan trắc của Chi cục thủy sản Nghệ An trong tháng 5 năm 2023 thì các vùng nuôi Quỳnh Lộc, Quỳnh Liên của thị xã Hàng Mai và vùng Quỳnh Thanh của huyện Quỳnh Lưu các mẫu quan trắc đều có kết quả dương tính với EHP.
http://nguoinuoitom.vn/wp-content/uploads/2022/12/Tom-nhiem-benh-e1672367298610.jpg
      Tôm bị EHP còi cọc sau 50 ngày nuôi (nguồn: Nguoinuoitom.vn)
EHP có hai nguồn lây nhiễm: Thứ nhất từ trong môi trường: Chúng ký sinh trên các vật chủ khác như cá, hàu, nghêu, sò,... phát triển và phát tán ra môi trường là nguồn lây nhiễm chủ yếu; thứ hai từ nguồn tôm giống: Nguồn tôm bố mẹ mang mầm bệnh và lây cho tôm giống, do đó khi lấy giống nuôi phải kiểm tra kỹ bằng PCR (cỡ tôm phải PL12 - PL15). Tôm giống càng lớn kiểm tra càng chính xác, tôm càng nhỏ kiểm tra không chính xác.
Khi được hỏi về nguy hại do dịch bệnh, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều cho rằng: Dịch bệnh do Đốm trắng gây ra không nguy hiểm bằng bệnh do EHP, bởi bệnh Đốm trắng có dấu hiệu điển hình, khi tôm trở bệnh đã phát hiện được người dân có thể xử lý sớm để nuôi lứa mới, nhưng bệnh EHP không có dấu hiệu bệnh, chỉ tốn thức ăn nhưng nuôi tôm không lớn, làm mất thời gian nuôi, tiêu tốn thức ăn, tiền của.
EHP là bệnh gây suy giảm miễn dịch ảnh hưởng tiêu cực đến sự hấp thu và tiêu hóa thức ăn mà không có những thay đổi viêm nhiễm trên tôm. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa EHP và vi khuẩn gây ra u hạt làm tăng tính nhạy cảm với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.
Tôm khi nhiễm EHP, mặc dù không gây chết hàng loạt nhưng dẫn đến tỷ lệ tử vong cao và mang lại nhiều rủi ro lớn cho người nuôi, đồng thời tăng chi phí sản xuất gây thiệt hại kinh tế cho các trang trại nuôi tôm.
 
Hình: lấy mẫu giám sát bệnh EHP tại huyện Quỳnh Lưu
Để hạn chế thiệt hại do bệnh EHP một số lưu ý đối với người nuôi:
- Diệt khuẩn nguồn nước nuôi: Calcium hypochloride (chlorine) ở nồng độ 30 mg/l (ppm) dùng xử lý nước có hiệu quả đối với bào tử microsporidian. Tuy nhiên, một số bào tử vi bào tử trùng vẫn sống sót bất chấp tác dụng của chlorine. Hàm lượng cao của cặn bã và vật chất hữu cơ có thể làm giảm độc lực của chlorine và qua đó cũng giảm tác dụng tiêu diệt các giai đoạn cảm nhiễm của vi bào tử trùng, pH cao cũng là nguyên nhân làm giảm độc lực của chlorine. Giải pháp ngăn ngừa bệnh này bao gồm cả việc loại bỏ những vật chủ trung gian mang mầm bệnh đặc biệt là các loài cá trong những vùng nuôi tôm đã bùng phát bệnh trước khi thả giống.
- Chọn mua con giống sạch bệnh EHP bằng cách kiểm tra PCR tôm giống tuổi ≥ PL12, chiều dài cơ thể ≥ 10 mm.
- Đối với các hộ nuôi tôm nhiều giai đoạn nên lấy mẫu giám sát bệnh EHP trước khi chuyển giai đoạn và giám sát nguồn nước trước khi thả nuôi.
          Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho bệnh EHP, vì vậy khuyến cáo đối với các hộ nuôi không nên sử dụng các loại thuốc thú y thủy sản không có nguồn gốc, đặc biệt không sử dụng các loại kháng sinh nguyên liệu cũng như thuốc kháng sinh dùng cho người để trị bệnh EHP./.
                                                             Công Thọ - phòng Quản lý dịch bệnh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây