Nghệ An: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi

Chủ nhật - 04/09/2022 21:09 513 0
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ đầu năm đến nay xảy ra 26 ổ Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), 07 ổ dịch Viêm da nổi cục (VDNC), 14 ổ dịch Dại và 87,23 ha dịch bệnh trên thủy sản nuôi..., các ổ dịch được các địa phương phát hiện sớm, khống chế trong diện hẹp.
Nghệ An: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi
Nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản phát sinh và lây lan thời gian tới rất cao do: (1) Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, nhưng hình thức chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, nông hộ; lưu lượng vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm cao; trong khi đó công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm tại nhiều địa phương chưa chặt chẽ; (2) Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin vụ Xuân năm 2022 tại các địa phương chưa đạt tối thiểu 80% tổng đàn để tạo miễn dịch quần thể, đặc biệt một số địa phương tỷ lệ tiêm phòng rất thấp dưới 20% tổng đàn, như: Thanh Chương, Tân Kỳ, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Nghi Lộc, Diễn Châu, thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai; (3) Môi trường nuôi trồng thủy sản ngày càng xuống cấp, mầm bệnh lưu cữu trong môi trường ao nuôi, kênh cấp, kênh thoát; thời tiết biến đổi bất thường tạo điều kiện thuận lợi cho ký chủ trung gian truyền bệnh, mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng nhưng công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh chưa được người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chú trọng thực hiện thường xuyên để tiêu diệt mầm bệnh; (4) Một số địa phương chưa rà soát, bố trí đầy đủ chức danh thú y cấp xã để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi phát sinh và lây lan trong thời gian tới. UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6570/UBND-NN ngày 29/8/2022 yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Ngành cấp tỉnh có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh như sau:
1. UBND các huyện, thành phố, thị xã
- Rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi của địa phương, triển khai tốt kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu năm 2022, đặc biệt chú trọng tiêm phòng các bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm (CGC), Lở mồm long móng (LMLM), VDNC, Dại,… bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng. Báo cáo, đánh giá kết quả tiêm phòng về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh (báo cáo bao gồm kết quả tiêm phòng của các trang trại, công ty chăn nuôi trên địa bàn).
- Hàng năm, xây dựng kế hoạch và bố trí đủ nguồn lực, kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt (LMLM, CGC, VDNC, DTLCP, Dại, Thủy sản).
- Tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch đang xảy ra, không để lây lan diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, không báo cáo, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan diện rộng.
- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, UBND cấp xã chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến dịch bệnh, với phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa, kiểm soát tốt các mối nguy”. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm kịp thời để giám sát, đánh giá lưu hành một số mầm bệnh nguy hiểm, như: CGC, DTLCP, VDNC, LMLM, Dại, bệnh trên thủy sản nuôi… để cảnh báo, khuyến cáo các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.
- Thành lập các Đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở, nhất là các xã chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật, thủy sản. Ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật/thủy sản, sản phẩm động vật trái phép, nhập lậu ...

Hình 1. Đoàn công tác Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi, chăn nuôi/nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học, các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi nhằm nâng cao trách nhiệm của người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Hình 2. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh
- Các địa phương chưa bố trí cán bộ thú y cấp xã cần khẩn trương rà soát, bổ sung đầy đủ chức danh thú y cấp xã theo Nghị quyết 23/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về UBND tỉnh để tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi, đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc xin vụ Thu năm 2022.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
+ Cập nhật, báo cáo dịch bệnh động vật thường xuyên qua Hệ thống báo cáo trực tuyến (VAHIS). Thường xuyên hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
+ Thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư... để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch phát sinh và lây lan ra diện rộng.
+ Tổ chức giám sát, đánh giá sau tiêm phòng đối với một số bệnh như: CGC, LMLM; Giám sát lưu hành các loại mầm bệnh nguy hiểm (CGC, LMLM, DTLCP, VDNC, Dại, bệnh trên tôm, cá nuôi...) để có cơ sở cảnh bảo, khuyến cáo sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả.

Hình 3. Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu giám sát mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
3. Sở Nội vụ
- Chỉ đạo các địa phương khẩn trương kiện toàn hệ thống thú y cấp xã đảm bảo về số lượng, chất lượng theo quy định để thực hiện nhiệm vụ chăn nuôi và thú y tại địa bàn.
- Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình bố trí chức danh thú y cấp xã theo Nghị quyết 23/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An.
4. Cục Quản lý thị trường
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các trường hợp vi phạm kinh doanh, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài, từ tỉnh khác vào địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép trên địa bàn.
NGUYỄN VIẾT LƯƠNG - CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y
 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây