Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm

Thứ hai - 24/01/2022 04:06 248 0
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), tình hình bệnh Cúm gia cầm (CGC) đã và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, cũng như tại các nước trong khu vực; đặc biệt xuất hiện nhiều chủng vi rút (H5N1, H5N2, H5N8, H7N9, H9N2,...) gây ra dịch bệnh trên gia cầm, có khả năng lây sang người. Nguy cơ xâm nhiễm A/H5N2 và các chủng vi rút CGC thể độc lực cao khác vào nước ta là rất cao.
         Năm 2021, cả nước đã xảy ra 120 ổ dịch CGC tại 114 xã thuộc 82 huyện của 32 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy khoảng 450.000 con gia cầm (tăng hơn 2 lần so với năm 2020), trong đó có chủng A/H5N8 lần đầu xâm nhiễm vào nước ta và đã lây lan 14 tỉnh, thành phố buộc tiêu hủy hơn 40.000 con gia cầm; kết quả giám sát chủ động tại 103 chợ, điểm thu gom thuộc 13 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ dương tính với các chủng vi rút CGC như sau: typ A (37,8%),  A/H5 (3,1%), A/H5N1 (0,02%), A/H5N6 (1,39%), A/H5N8 (0,07%); kết quả phân tích gần 1.478 mẫu giám sát tại 15 tỉnh, thành phố cũng phát hiện 356 mẫu (chiếm 24%) dương tính với chủng CGC A/H9N2 là chủng vi rút có thể gây giảm đẻ ở gia cầm, đồng thời có nguy cơ lây sang người (trên thế giới đã có 75 người nhiễm chủng vi rút này, trong đó có 55 người tại Trung Quốc).
         Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, xảy ra 08 ổ dịch CGC do 03 chủng vi rút độc lực cao A/H5N6, A/H5N1 và A/H5N8 gây ra tại 05 huyện Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, buộc tiêu hủy 6.766 con gia cầm. Kết quả phân tích 160 mẫu gộp của hơn 600 con gia cầm tại 08 chợ thuộc 04 huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Nam Đàn, Đô Lương cho thấy có 46 mẫu dương tính CGC typ A (chiếm 28,75%), 03 mẫu dương tính với CGC A/H5 (chiếm 1,87%) và 02 mẫu dương tính với CGC A/H5N8 (chiếm 1,25%).
          Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh CGC gia tăng là rất cao, do: (i) Tổng đàn gia cầm lớn, nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; (ii) Vi rút CGC lưu hành trên đàn vật nuôi và trong môi trường chăn nuôi với tỷ lệ khá cao, trong khi đó nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh; (iii) Giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng mạnh vào dịp tết Nguyên đán; (iv) Thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm...
         Để chủ động phòng, chống dịch bệnh CGC, ngăn chặn chủng vi rút CGC A/H5N2 và các chủng vi rút CGC thể độc lực cao khác xâm nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, UBND tỉnh ban hành Công văn số 283/UBND-NN ngày 12/01/2022 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm.
          Theo đó yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 09/4/2019 của UBND tỉnh Ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh CGC trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2025; trong đó chú trọng tập trung thực hiện một số nội dung sau:
         1. UBND các huyện, thành phố, thị xã
        - Căn cứ Quyết định số 5106/QĐ-UBND ngày 27/12/2021 của UBND tỉnh về việc Ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022 để xây dựng, ban hành và bố trí nguồn lực, kinh phí triển khai Kế hoạch tại địa phương; đồng thời chủ động triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng chống bệnh CGC.
       - Chỉ đạo phòng Nông nghiệp/Kinh tế phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, UBND các xã, phường, thị trấn:
       + Rà soát, tổ chức tiêm vắc xin CGC phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn; thường xuyên tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh, chưa được tiêm phòng và hết thời gian miễn dịch; báo cáo kết quả tiêm phòng về Chi cục chăn nuôi và Thú y (gồm cả số lượng vắc xin ở các trang trại chủ động mua tiêm phòng còn thời gian miễn dịch).
      + Chủ động giám sát dịch bệnh, kịp thời điều tra, lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh CGC. Khi dịch bệnh xảy ra, tiêu hủy ngay gia cầm mắc bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y.
      + Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới, giết mổ gia cầm không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
      + Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường giám sát đàn gia cầm, kịp thời phát hiện các trường hợp gia cầm bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; hằng ngày vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột khu vực chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho đàn gia cầm, đặc biệt là vắc xin CGC.
       + Hướng dẫn, đôn đốc tổ chức xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
      2. Sở Nông nghiệp và PTNT
      - Chỉ đạo các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
      - Chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin với Sở Y tế để triển khai các hoạt động phòng, chống các chủng vi rút CGC có khả năng lây sang người.
      - Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
      + Phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh CGC kịp thời. Đồng thời, cung ứng đầy đủ các loại vắc xin, hóa chất, vật tư...cho các địa phương chủ động phòng, chống dịch hiệu quả.
      + Xây dựng và triển khai Kế hoạch giám sát chủ động bệnh CGC tại các địa bàn có nguy cơ cao để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo quy định.
      + Thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
        3. Các Sở, Ngành cấp tỉnh có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND cấp huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về tình hình dịch bệnh CGC, các yếu tố nguy cơ, biện pháp phòng, chống để người dân biết, thực hiện và phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh.
                                NGUYỄN VIẾT LƯƠNG - CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây