HƯỚNG DẪN MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT CHĂN NUÔI LỢN AN TOÀN SINH HỌC PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI CHO TRANG TRẠI QUY MÔ VỪA, NHỎ VÀ NÔNG HỘ

Thứ ba - 05/04/2022 03:18 477 0
Trước những tổn thất lớn mà dịch tả lợn Châu phi gây ra cho ngành chăn nuôi nước ta như hiện nay thì việc chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và thực hiện tốt công tác phòng chóng dịch là một trong những giải pháp quan trọngđể tiếp tục duy trì, ổn định, phát triển đàn lợn, đáp ứng yêu cầu cung cấp thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bảo vệ sức khỏe cộng động và bảo vệ môi trường.
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT CHĂN NUÔI LỢN AN TOÀN SINH HỌC PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI CHO  TRANG TRẠI QUY MÔ VỪA, NHỎ VÀ NÔNG HỘ

Hệ thống chuồng được phân thành từng ô để dễ dàng vệ sinh, tránh lây nhiễm bệnh
Thực trạng ngành chăn nuôi lợn của tỉnh ta hiện nay chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, chiếm 80% tổng đàn, hình thức chăn nuôi truyền thống; các hộ tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, đất đai, công lao động nhàn rỗi. Song cũng vì thế mà tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao. Từ thực trạng đó, cần chuyển hướng từ chăn nuôi truyền thống sang áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
Ngày 11/11/2021, Cục Chăn nuôi đã ban hành Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học phòng dịch bệnh tả lợn Châu Phi nhằm giúp người nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh, sát trùng chuồng trại nhằm  hạn chế đến mức tối đa nguy cơ bệnh dịch tái phát. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An tổng hợp một số biện pháp kỹ thuật của quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa, quy mô nhỏ và chăn nuôi nông hộ. Cụ thể như sau:
1. Yêu cầu về chuồng trại, trang thiết bị nuôi lợn
- Có khoảng cách an toàn với khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư, trường học, bệnh viện,chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư và giữa 02 trang trại chăn nuôi khác nhau.
- Nơi xây dựng trang trại phải đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi; có biện pháp bảo vệ môi trường.
- Trang trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại.
- Chuồng nuôi lợn nên xây dựng ở địa điểm cao ráo, dễ thoát nước, dễ làm vệ sinh và đảm bảo luôn khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
- Chuồng nuôi phải bố trí phù hợp với từng lứa tuổi và có diện tích phù hợp. Nền/sàn chuồng bằng bê tông, đảm bảo không trơn trượt, có rãnh thoát nước đối với chuồng sàn, có độ dốc từ 3-5% đối với chuồng nền.Vách chuồng phải nhẵn, không có góc sắc, đảm bảo lợn không bị trầy xước khi cọ sát vào vách chuồng.
- Bố trí hố khử trùng (giàn phun khử trùng) ở cổng ra vào trại, khu chuồng và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng. Có khu vực vệ sinh, khử trùng, thay trang phục bảo hộ riêng (quần áo, giày, dép, ủng ....)
- Có khu cách ly đối với lợn mới nhập, lợn ốm cách biệt an toàn với khu chuồng nuôi
- Có các khu vực thu gom và xử lý chất thải (nơi ủ phân, biogas ....), khu vực nhập và xuất lợn riêng biệt, bể chứa nước sạch, khu vực để thức ăn, thuốc thú y, hóa chất ..... cách biệt, đảm bảo dễ vệ sinh và khử trùng.
 - Trang thiết bị chăn nuôi lợn đảm bảo phù hợp với đối tượng nuôi, không nên sử dụng chung trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi giữa các dãy chuồng.
- Với phương thức chăn nuôi chuồng kín/hở: đảm bảo đủ ánh sáng, chống nóng, chống lạnh, lưu thông không khívà ngăn chặn côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.
2. Thức ăn và nước uống
- Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc, còn hạn sử dụng,đảm bảo chất lượng và an toàn.
- Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho lợn.
- Nguồn nước phải đảm bảo an toàn, vệ sinh, không bị nhiễm khuẩn, nhiễm kim loại và đáp ứng đủ nhu cầu của lợn nuôi.
3. Chăm sóc, nuôi dưỡng
- Đối với lợn nuôi theo trang trại cần được phân loại theo tính biệt, khối lượng lợn và tình trạng sức khỏe. Nên đảm bảo cho lợn trong cùng một ô phải đồng đều khối lượng và áp dụng phương thức quản lý "cùng vào-cùng ra".
- Nhiệt độ thích hợp cho lợn từ 25-270C. Độ ẩm chuồng nuôi phù hợp từ 50-80%.
- Chế độ ăn: Tùy thuộc vào đối tượng nuôi là lợn nội/ngoại để lựa chọn loại thức ăn, thời điểm, khẩu phần ăn phù hợp.
- Không thay đổi khẩu phần ăn một cách đột ngột. Không sử dụng thức ăn thừa trong máng ăn của đàn lợn đã xuất chuồng và của đàn lợn đã bị dịch bệnh. Thường xuyên theo dõi, ghi chép tình trạng sức khỏe và khả năng ăn vào và phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
4. Kiểm soát người ngoài ra, vào trại
- Hạn chế tối đa người ngoài ra, vào trang trại chăn nuôi. Người trước và sau khi vào khu vực chăn nuôi phải thay đồ bảo hộ và khử khuẩn.
- Riêng đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa cần bố trí công nhân chăn nuôi lợn phải ăn, ở tại trại tối thiểu 01 tháng, và riêng cho từng khu sản xuất;
- Không đưa thực phẩm tươi sống và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn khác từ ngoài vào trại.Không nuôi và không cho các loại gia súc, gia cầm khác ở trong khu chuồng nuôi lợn.
5. Vệ sinh chăn nuôi
- Việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phải đảm bảo nguyên tắc: Người thực hiện phải sử dụng bảo hộ; Hóa chât đảm bảo đủ độ mạnh nhưng ít độc hại, phải pha đúng nồng độ, tỷ lệ và chủng loại hóa chất phải đúng quy định; Trước lúc khử trùng phải làm sạch cơ học.
- Trước khi chăn nuôi cần vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng và trang thiết bị tối thiểu 03 ngày trước khi nhập lợn. Phun khử trùng tất cả các đồ dùng, vật dụng, thức ăn... trước khi vào trại.
- Trong quá trình nuôi:
+ Định kỳ phun thuốc sát trùng: xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần; trong chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh và ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh; trên lợn ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh.
+ Định kỳ diệt ruồi, muỗi trong và ngoài chuồng nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi.
+ Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Thường xuyên vệ sinh, khử đồ bảo hộ và các dụng cụ sau khi sử dụng.
- Sau mỗi đợt nuôi: Phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi. Đối với đàn lợn không bị DTLCP có thể tái sản xuất sau 07 ngày để trống chuồng. Nếu bị bệnh DTLCP, nên để trống chuồng ít nhất 30 ngàyvà được sự đồng ý của chính quyền địa phương trước khi sản xuất. Khi tái đàn ở các trang trại chăn nuôi thì Giai đoạn 1 tái đàn 10% tổng đàn, sau khi nuôi 30 ngày tiến hành xét nghiệm vi rút DTLCP. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính mới được tiếp tục tái đàn 100% tổng đàn lợn.
6. Kiểm soát phương tiện vận chuyển
- Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài trại để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc 02 lần trước khi vào. Không vận chuyển lợn, thức ăn, chất thải hay vật dụng khác chung một phương tiện.
- Thực hiện làm sạch cơ học trước khi tiêu độc khử trùng; Sử dụng thuốc khử trùng có phổ kháng khuẩn rộng, đúng nồng độ, liều lượng và thời gian tiếp xúc phù hợp danh mục thuốc khử trùng được phép sử dụng tại Việt Nam, thân thiện với môi trường;
7. Xử lý chất thải chăn nuôi, xác lợn chết
- Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày, xử lý tại chỗ bằng các phương pháp:nhiệt/hóa chất/chế phẩm sinh học… phù hợp theo quy định; hoặc chuyển đến nơi tập trung.Nếu rác là lợn chết phải xử lý theo quy định của Luật thú y, trường hợp lợn bị chết do bệnh DTLCP phải thiêuhủy theo hướng dẫn của Bộ  NN&PTNT.
- Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng, tách biệt với hệ thống nước mưa. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hóa chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp, nước trước khi thải ra môi trường phải đảm bảo theo quy định.
- Giảm thiểu và xử lý tiếng ồn bằng cách xây tường bao phù hợp, trồng cây xanh, đào hào để không gây ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư xung quanh theo đúng quy định.
8. Quản lý dịch bệnh
- Tiêm phòng các bệnh của đàn lợn theo đúng quy định và phù hợp với đặc điểm dịch tễ từng địa phương.
- Lợn ốm được nuôi ở khu vực riêng. Không đưa lợn ốm xuất hoặc nhậptrang trại. Đối với nuôi trang trại nên loại thải và tiêu hủy lợn bị bệnh mạn tính, còi cọc, phát triển kém.
- Khi lợn ốm: Chẩn đoán và điều trị bệnh cho lợn cần được thực hiện bởi bác sĩ thú y. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ bao bì, dụng cụ đựng thức ăn và các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi thú y liên quan đến đàn lợn bị dịch bệnh.
- Khi có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, phải tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại chỗ ngay lập tức. Đồng thời báo cáo kịp thời chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên môn để có biện pháp xử lý khoanh vùng, bao vây, khống chế và dập dịch theo đúng các quy định của pháp luật
9. Quản lý, ghi chép và kiểm tra nội bộ
Trang trại chăn nuôi lợn phải lập sổ, ghi chép theo dõi và lưu trữ các thông tin trong quá trình chăn nuôi. Người chăn nuôiđịnh kỳ tập huấn về an toàn sinh học trong chăn nuôi-thú y, kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn sinh học tại trang trại/cơ sở. 

                                  PHÒNG QL GIỐNG VÀ KỸ THUẬT CHĂN NUÔI
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây