HƯỚNG DẪN CHĂN NUÔI GÀ AN TOÀN SINH HỌC

Thứ ba - 16/08/2022 03:38 230 0
Chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay thì chăn nuôi theo huớng an toàn sinh học (ATSH) là rất cần thiết, không những nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, hướng tới việc phát triển chăn nuôi gà có kiểm soát mà còn cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm từ gà sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và xã hội. Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn phương pháp chăn nuôi gà đảm bảo ATSH, cụ thể như sau:
HƯỚNG DẪN CHĂN NUÔI GÀ AN TOÀN SINH HỌC
1.Vị trí xây dựng chuồng trại
Chuồng trại được xây dựng ở một khu vực biệt lập, cách xa bệnh viện, trường học, chợ, công sở và khu dân cư đông người và đường giao thông liên tỉnh, liên huyện. Khoảng cách đảm bảo ATSH đối với trang trại đảm bảo quy định Luật chăn nuôi:
- Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 100 mét; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 150 mét.
- Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô vừa đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 200 mét; trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu là 300 mét.
- Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô lớn đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 400 mét; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 500 mét.
- Khoảng cách giữa 02 trang trại chăn nuôi của 02 chủ thể khác nhau tối thiểu là 50 mét.
2. Chuồng trại và thiết bị


                H1: Hệ thống chuồng trại, thiêt bị phải đảm bảo quy định
Chuồng trại nuôi gà phải bảo đảm thông thoáng, ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ phù hợp với các giai đoạn nuôi dưỡng gia cầm. Có hố khử trùng ở lối ra vào chuồng nuôi, có ngăn cách giữa các khu chăn nuôi từng đối tượng/giai đoạn của gia cầm. Cống rãnh thoát nước thải phải có độ dốc thích hợp khoảng 3 - 5%, không bị ứ đọng nước.
Diện tích chuồng nuôi phải phù hợp với số lượng gia cầm và tùy theo giống, phương thức chăn nuôi (ví dụ: 6 - 7 con/m2 đối với gà ta, nuôi thịt; 3 - 4 con/m2 đối với gà ta, đẻ trứng).
 Máng ăn, máng uống được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Hệ thống đèn chiếu sáng, đèn chụp sưởi và các dụng cụ khác phải bảo đảm an toàn cho người chăn nuôi và gia cầm.
Đối với các trại chăn nuôi gia cầm giống, khu vực ấp trứng gia cầm có hàng rào ngăn cách với bên ngoài và các khu vực khác trong trại chăn nuôi.
Trang trại cần có kho chứa thức ăn cách biệt với khu chăn nuôi, phải khô ráo, thoáng mát, thường xuyên có biện pháp diệt chuột, mối mọt, gián và các loại côn trùng gây hại khác. Cần có hàng rào bao quanh để đảm bảo hạn chế người và động vật bên ngoài xâm nhập vào trại, hàng rào nên có chiều cao 1,8 m và chiều sâu 0,5 m. Cổng trang trại cần có hố khử trùng và phương tiện khử trùng, tiêu độc, có biển báo cấm hoặc hạn chế đối với khách ra vào trại. Phòng làm việc của các cán bộ kỹ thuật, nơi mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm. Có nơi để dụng cụ, thuốc, sổ sách ghi chép tình hình sản xuất, dịch bệnh và sử dụng vaccine, thuốc. Có phòng thay bảo hộ lao động, khử trùng, tiêu độc trước khi vào khu chăn nuôi. 
3. Con giống, thức ăn và nước uống


    H2: Con giống mua về phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có nguồn gốc rõ ràng

Gia cầm giống mua về nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở sản xuất, giống đảm bảo chất lượng tốt, được tiêm phòng đầy đủ, có giấy kiểm dịch và phải có công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo. Cần chọn con khỏe mạnh và nhanh nhẹn, lưu ý: Không sử dụng con thương phẩm làm giống. Không được nhập thêm con giống mới mua ngay vào đàn mà phải nuôi cách ly ít nhất 2 tuần, càng xa đàn càng tốt. Phải thường xuyên quan sát gia cầm mới nhập nhằm phát hiện những con đang ủ bệnh.
Thức ăn cần phù hợp với từng lứa tuổi, tính biệt, hướng sản xuất và công nghệ sản xuất theo quy trình được công nhận. Nếu sử dụng thức ăn công nghiệp cần mua tại các đại lý có uy tín, thức ăn còn hạn sử dụng, thơm ngon không ẩm mốc vón cục. Nếu thức ăn tự chế biến cần sử dụng các nguyên liệu tươi ngon, không ẩm mốc, ngũ cốc nguyên hạt không dập vỡ. Thức ăn được đảm bảo trong kho riêng biệt đảm bảo đúng quy định kỹ thuật, luôn bao kín các gói thức ăn dùng dở tránh chuột, bọ, côn trùng,... gây ô nhiễm. Luôn vệ sinh máng ăn sạch sẽ
Nước uống cần đầy đủ và sạch sẽ, đảm bảo chỉ tiêu vệ sinh thú y, không bị ô nhiễm khoáng chất, vi khuẩn, ô nhiễm hóa học. Tốt nhất sử dụng các nguồn nước như nước sử dụng cho người như nước giếng khoan, nước máy. Đổ hết nước, cọ rứa máng uống hàng ngày, định kỳ lấy mẫu kiểm tra xét nghiệm nước. 

4.Chăm sóc nuôi dưỡng 


       H3: Dọn dẹp vệ sinh, làm trống chuồng sau mỗi lứa nuôi
 Không nuôi chung các loại gia cầm trong một chuồng hay một khu chăn nuôi hoặc thậm chí một trại mà phải nuôi tách biệt.
 Trình tự thăm, chăm sóc, kiểm tra phải từ tuổi nhỏ đến lớn, từ nơi sạch đến bẩn
 Đảm bảo nguyên tắc “ cùng vào cùng ra” tức là bằng lứa tuổi
 Nuôi tách biệt gà con, gà hậu bị, gà sinh sản, gà thịt,... tại các khu vực khác nhau
 Khi phát hiện gà có dấu hiệu bất thường cần cách ly ngay và có phương pháp xử lý phù hợp.
 Sau khi xuất bán cần làm tổng vệ sinh, khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh và trang thiêt bị dụng cụ. Để trống chuồng ít nhất 2 tuần.

5.Công tác vệ sinh, thú y và xử lý chất thải

                            
             H4: Khử khuẩn người và phương tiện trước khi vào khu vực nuôi
Thực hiện đầy đủ quy trình tiêm phòng vaccine theo quy định, thực hiện tốt quy trình nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh. Gia cầm mới nhập về phải nuôi cách ly để tiến hành theo dõi kiểm tra nghiêm ngặt, lấy mẫu kiểm tra các gia cầm chết, ốm (nếu có), gửi đến phòng thí nghiệm thú y hoặc báo với cơ quan thú y để xác định nguyên nhân.
Quét dọn, vệ sinh thu gom chất thải như phân, rác, chất độn chuồng, trứng vỡ,... cho vào nơi quy định. Cọ rửa sạch bằng nước và xà phòng theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
Đảm bảo vệ sinh trước khi và trại: phương tiện vận chuyển và người. Đảm bảo vệ sinh trong trại: Dụng cụ sử dụng, máng ăn uống, khay đựng trứng, ổ đẻ, đệm lót chuồng,....
Khử trùng trước khi vào trại: phương tiện vận chuyển, dụng cụ. Định kỳ khử trùng tại trại: chuồng nuôi, ổ đẻ, dụng cụ đã sử dụng,... Tuy nhiên cần lưu ý: Nếu không vệ sinh làm sạch khử trùng chỉ vô ích. Khử trùng chỉ có tác dụng khi đã vệ sinh sạch sẽ.
Chuồng trại và các dụng cụ, thiết bị chăn nuôi cần được làm sạch và khử trùng theo định kỳ. Trứng bị hư hỏng, gia cầm chết, rác và phân phải được xử lý kịp thời bằng các phương pháp phù hợp với các quy định về thú y và môi trường.
Chất thải lỏng thải ra môi trường phải được xử lý, không được thải trực tiếp ra môi trường. Nước thải trong quá trình chăn nuôi phải đạt các chỉ tiêu môi trường theo quy định. Chất thải rắn phải được xử lý các mầm bệnh, trước khi sử dụng vào mục đích khác.

                                                                        Phòng Quản lý giống & KTCN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây