Tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022 – 2030

Chủ nhật - 13/02/2022 21:55 314 0
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 353 ổ dịch Viêm da nổi cục (VDNC) ở 21 huyện, thành phố, thị xã; số gia súc mắc bệnh 9.783 con, gia súc chết buộc tiêu hủy 2.416 con, trọng lượng tiêu hủy 326.952 kg.
Nguy cơ bệnh VDNC phát sinh và lây lan ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao, do: (1) Nghệ An là tỉnh có tổng đàn trâu, bò lớn nhưng chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, khó thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; (2) Tỷ lệ tiêm phòng thấp chưa đạt 80% tổng đàn; (3) Việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò vào dịp tết Nguyên đán tăng; (4) Bệnh do vi rút gây ra, đường truyền lây bệnh ở phạm vi rộng do véc tơ truyền bệnh chủ yếu qua côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) khó kiểm soát; (5) Tập quán chăn thả rông trâu, bò chung trên đồng cỏ làm gia súc bệnh và gia súc khỏe tiếp xúc trực tiếp; (6) Nghệ An có nhiều chợ buôn bán trâu bò lớn...
Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh VDNC, ngày 30/12/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 5179/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022 - 2030.
Để khẩn trương tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC của tỉnh, tránh tình trạng chủ quan, lơ là, dẫn đến dịch bệnh phát sinh và lây lan diện rộng, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 714/UBND-NN ngày 27/01/2022 yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung triển khai thực hiện những nội dung sau:
1. UBND các huyện, thành phố, thị xã
1.1. Khẩn trương xây dựng, ban hành, bố trí kinh phí và các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC của địa phương. Kế hoạch của địa phương phải cần có mục tiêu, giải pháp cụ thể và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, đảm bảo thống nhất với các nội dung Kế hoạch UBND tỉnh đã ban hành. Đồng thời, gửi Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC của các địa phương về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) trước ngày 15/02/2022 để tổng hợp, phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện.
1.2. Căn cứ Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HDNND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh và tình hình thực tiễn của địa phương, chỉ đạo UBND cấp xã bố trí người hoạt động không chuyên trách đảm nhiệm chức danh thú y cấp xã. Tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn quy định tại Thông tư số 29/2016/TT-BNNPTNT ngày 05/8/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
1.3. Chú trọng, tập trung vào giải pháp tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn trâu, bò; có kế hoạch, bố trí kinh phí, nguồn lực để tổ chức tiêm mới, tiêm nhắc lại cho đàn trâu, bò đã được tiêm vắc xin sau gần 01 năm, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Theo dõi và xử lý gia súc bị phản ứng sau tiêm phòng kịp thời.
1.4. Tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh VDNC theo nguyên tắc tuân thủ và thực hiện những nội dung, giải pháp tại Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC của UBND tỉnh, các văn bản hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cụ thể một số nội dung sau:
a) Kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò
- Khi không có dịch bệnh VDNC: Thực hiện kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò theo quy định của Luật Thú y và Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.
- Khi có dịch bệnh VDNC: Trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò chỉ được phép vận chuyển ra khỏi vùng có dịch sau khi trâu, bò đã được tiêm vắc xin VDNC tối thiểu 21 ngày, hoặc còn thời gian miễn dịch bảo hộ (theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin) và có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 5 (Điều kiện động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển ra khỏi vùng có dịch), Thông tư số 07/2016/TT-BNN-PTNT ngày 31/5/2016 Quy định về phòng, chống dịch bệnh trên cạn.
 b) Xử lý ổ dịch
- Khi có dịch VDNC xảy ra, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016, Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12/8/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016.
- Tổ chức tiêu hủy trâu, bò chết; trâu, bò mắc bệnh VDNC nhưng đã được điều trị ít nhất 07 ngày mà không có dấu hiệu phục hồi theo đánh giá của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.
- Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng ruồi, muỗi, ve, mòng,… liên tục 03 ngày một lần trong vòng 03 tuần tại các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi có trâu, bò bệnh, nghi mắc bệnh VDNC; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trung, thuốc diệt côn trùng 01 lần/tuần trong 03 tuần đối với toàn bộ khu vực nguy cơ cao thuộc địa bàn các xã có trâu, bò bị bệnh VDNC.
c) Thời điểm công bố hết dịch là 21 ngày kể từ ngày trâu, bò mắc bệnh cuối cùng bị chết, bị tiêu hủy hoặc lành triệu chứng mà không có con vật nào bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh VDNC; đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý ổ dịch theo đúng quy định.
1.5. Tổ chức hiệu quả các tháng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc do tỉnh phát động; tại các địa phương có dịch cần thường xuyên tổ chức sát trùng bằng vôi bột, hóa chất và vệ sinh để tiêu diệt mầm bệnh; đặc biệt trước các thời điểm có nguy cơ cao phát sinh dịch VDNC.
1.6. Xây dựng và nhân rộng các mô hình cơ sở chăn nuôi để đảm bảo áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi; chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh VDNC để cảnh báo cộng đồng và có cơ sở triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
1.7. Tổ chức chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn trâu, bò, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và tập trung xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, còn ở diện hẹp; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy trâu, bò bệnh, trâu, bò chết, vứt xác trâu, bò chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.
1.8. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi, sản xuất sản phẩm trâu, bò an toàn dịch bệnh.
1.9. Chỉ đạo hệ thống truyền thanh, truyền hình của huyện, xã, xóm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống.
1.10. Tổ chức ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, các sản phẩm trâu, bò qua địa bàn.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
- Phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp huyện triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch phòng, chống  bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức giám sát lưu hành vi rút VDNC, đánh giá tình hình dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng...
- Chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư,... để chủ động phòng, chống dịch, xử lý dịch trong diện hẹp.
- Thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

NGUYỄN VIẾT LƯƠNG - CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây