Tiềm năng phát triển nghề nuôi ong lấy mật vùng miền Tây Nghệ An

Thứ hai - 28/11/2022 20:34 362 0
Nghệ An có diện tích rừng lớn, tập trung chủ yếu ở 11 huyện, thị xã miền núi. Với điều kiện thuận lợi, tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn rừng và một số loại cây ăn quả, những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển nhanh về cả chất lượng và số lượng. Nhận thấy đây là mô hình mang lại thu nhập ổn định, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Tiềm năng phát triển nghề nuôi ong lấy mật vùng miền Tây Nghệ An
Là tỉnh có diện tích rừng với tổng gần 963 nghìn ha, trong đó diện tích rừng trồng gần 174 nghìn ha (chủ yếu là keo), cộng với diện tích canh tác nông nghiệp lớn, nhất là diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, ngô, vừng, hoa cải…. Đây là nguồn hoa, phấn hoa dồi dào, phong phú - tài nguyên thức ăn có sẵn trong tự nhiên lớn để phát triển nuôi ong. Bên cạnh đó, địa hình, khí hậu miền núi trung du vùng miền Tây Nghệ An cũng là một lợi thế tốt; mặt khác, nhiều địa phương, người dân có truyền thống và kinh nghiệm nuôi ong lấy mật. Trao đổi với gia đình ông Trương Văn Cát, ở Tân Nam, xã Tây Hiếu (thị xã Thái Hoà) là một trong những hộ nuôi ong lâu năm tại địa phương với khoảng 35 năm theo chia sẻ của ông Trương Văn Cát, trước đây gia đình nuôi ong mang tính truyền thống, chủ yếu phục vụ gia đình và bán một phần nếu ai có nhu cầu. Dần dần từ nhu cầu của thị trường cộng với kinh nghiệm nuôi ong được tích luỹ, đặc biệt khi trở thành thành viên của Hợp tác xã nuôi ong mật Tây Hiếu, ông bắt đầu bước vào “con đường” nuôi ong kinh doanh. Ngoài nuôi ong lấy mật với bình quân mỗi năm khoảng 600 – 700 chai và giá trị kinh tế thu về hơn 100 triệu đồng/năm; ông còn tách đàn, nhân đàn và bán đán, mỗi năm khoảng 30 – 40 đàn cho người nuôi ong tại tỉnh Thanh Hoá và một số địa phương trong tỉnh như Tân Kỳ, Con Cuông, Quỳnh Lưu…, thu về 25 – 30 triệu đồng. Sản phẩm mật ong của gia đình ông cùng các thành viên trong hợp tác xã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, cho nên ngoài các mối khách hàng cố định sử dụng của gia đình ông lâu nay với hàng chục chai mỗi năm, sản phẩm còn vào các hội chợ, các cửa hàng sản phẩm OCOP, cửa hàng thực phẩm sạch.
https://dbndnghean.vn/upload/22/11/4/4a3adc92df9919c74088.jpg
Nuôi ong lấy mật là mô hình phát triển bền vững của nhiều hộ dân ở vùng miền núi Nghệ An.
Là một thành viên Hợp tác xã nuôi ong mật Tây Hiếu, gia đình ông Lê Xuân Giao, xóm Hưng Tây cũng vừa nuôi ong lấy mật, vừa nhân đàn để bán. Theo ông Lê Xuân Giao, nuôi ong không khó, không tốn nhiều công sức, chỉ cần am hiểu đặc tính, chu kỳ của nó; mặt khác chi phí đầu tư thấp, nguồn thức ăn của nó dựa hoàn toàn nguồn tự nhiên từ rừng, từ các cây công nghiệp cao su, cà phê và cam, nhãn, vải và hoa màu khác. Nuôi ong đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình, khoảng trên dưới 100 triệu đồng.
Được biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong hướng tới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, hiện tại Hợp tác xã nuôi ong mật Tây Hiếu đang được UBND thị xã Thái Hòa phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới Trung ương chuyển giao áp dụng kỹ thuật nuôi ong khai thác mật ong ở thùng kế. Qua triển khai thử nghiệm ở 7/21 hộ thành viên với 70 đàn bước đầu đem lại hiệu quả về chất lượng mật ong, khắc phục tình trạng phấn, hoa… lẫn vào mật ong khi lấy. Ngoài 21 thành viên trong Hợp tác xã nuôi ông mật Tây Hiếu có quy mô nuôi 40 đến trên 80 đàn, trên địa bàn xã Tây Hiếu còn có hàng trăm hộ nuôi, quy mô ít nhất là dăm ba đàn đến 30 đàn, vừa phục vụ gia đình, vừa là nguồn sinh kế của nhiều hộ.
https://dbndnghean.vn/upload/22/11/4/5f362fa22da9ebf7b2b8.jpg
Các thành viên Hợp tác nuôi ong mật Tây Hiếu tiếp thu kỹ thuật nuôi ong khai thác mật thùng kế.
Rộng ra trên địa bàn thị xã Thái Hoà, ngoài xã Tây Hiếu, phong trào nuôi ong lấy mật còn có ở một số xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Mỹ… Bên cạnh nuôi ong nội theo hình thức tại hộ gia đình ở các xã kể trên, ở phường Quang Tiến, người dân thông qua liên kết với doanh nghiệp nuôi theo hình thức di canh, di cư ra Bắc, vào Nam theo mùa hoa nhãn, cà phê, tràm…, và sản phẩm phục vụ chế biến xuất khẩu.
Ở huyện Quỳ Hợp, việc nuôi ong lấy mật được tập trung ở các xã Yên Hợp, Đồng Hợp, Châu Cường, Châu Thái, Châu Lý. Riêng xã Yên Hợp, theo chia sẻ của ông Chu Ngọc Tân – Phó Chủ tịch UBND xã, hiện đã hình thành được tổ hội nghề nghiệp nuôi ong, đồng thời địa phương cũng phối hợp với trung tâm dạy nghề huyện tập huấn kiến thức nuôi ong cho người dân. Trên địa bàn xã hiện có hơn 15 hộ nuôi từ 15 đến trên 50 đàn và rất nhiều hộ nuôi dưới 15 đàn. Đặc biệt hiện nay, khi Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường đầu tư nhà xưởng chế biến dược liệu và hợp đồng với người dân về cách thức nuôi, chăm sóc và thu mua, bao tiêu sản phẩm mật ong tại chỗ cho người dân đang tạo động lực cho người dân tăng đàn để nuôi. Đây là hướng tạo sinh kế cho người dân miền núi, đồng thời là sản phẩm được xác định có tiềm năng để xúc tiến xây dựng sản phẩm OCOP.
Trong những năm gần đây đàn ong đang phát triển khá nhanh cả về số lượng đàn, năng suất và sản lượng mật. Địa bàn nuôi có ở hầu hết 11 huyện, thị xã miền núi; trong đó tập trung ở một số địa phương như Thái Hoà, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Con Cuông… Tính đến năm 2021, tổng đàn ong trên toàn tỉnh 70.576 đàn; sản lượng mật ong đạt khoảng 612 nghìn lít. Chất lượng mật ong Nghệ An đặc, có mùi thơm đặc trưng của các loại hoa có trong tự nhiên, vị ngọt thanh, được người tiêu dùng đánh giá tốt và có thương hiệu trên thị trường. Nuôi ong, ngoài tạo sinh kế cho người dân thì nó còn mang lại giá trị kép, kích thích việc thụ phấn, nâng cao năng suất cây trồng, góp phần tiêu diệt các côn trùng dịch hại trên cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay, nghề nuôi ong lấy mật đang đứng trước nhiều thách thức do vẫn phải tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế... Vì vậy, để phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật, các địa phương cần khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi ong theo hướng trang trại, gia trại kết hợp với trồng trọt. Chú trọng thành lập các tổ hợp tác, HTX để hợp tác xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm mật ong.
QUỐC SỸ - PHÒNG QUẢN LÝ GIỐNG VÀ KỸ THUẬT CHĂN NUÔI
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây