MỘT SỐ LƯU Ý TRONG XÂY DỰNG CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

Thứ hai - 25/09/2023 04:33 481 0
Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật.
MỘT SỐ LƯU Ý TRONG XÂY DỰNG CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
Tại Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT (gọi tắt là Thông tư 24) quy định chi tiết, cụ thể về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật. Để các doanh nghiệp, người dân nắm bắt một cách tổng thể, hiểu và chủ động xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn một số nội dung sau:
I. Cơ quan thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật (Điều 3, Thông tư 24)
1. Cục Thú y thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với:
a) Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, hỗn hợp xuất khẩu và tiêu dùng trong nước;
b) Vùng an toàn dịch bệnh động vật cấp xã phục vụ xuất khẩu, hỗn hợp xuất khẩu và tiêu dùng trong nước;
c) Vùng an toàn dịch bệnh động vật cấp huyện, cấp tỉnh.
2. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đối với cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Cơ quan thẩm định và cấp Giấy chứng nhận gọi chung là Cơ quan thú y.

Hình ảnh: Tập huấn cho Thú y cơ sở và người dân về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật
II. Quyền lợi của cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (Điều 4, Thông tư 24)
1. Được hưởng các quyền lợi theo quy định tại khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 39 và khoản 2 Điều 55 Luật Thú y, cụ thể:
- Được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật.
- Thực hiện kiểm dịch ra khỏi địa bàn cấp tỉnh được thực hiện trong thời hạn 01 ngày sau khi tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm dịch với cơ quan thú y.
2. Được miễn lấy mẫu xét nghiệm đối với bệnh được công nhận an toàn trong quá trình thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; được sử dụng kết quả xét nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát an toàn dịch bệnh để làm thủ tục kiểm dịch vận chuyển động vật theo các quy định hiện hành.
3. Được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá, xuất bán sản phẩm, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật.
4. Được hỗ trợ tham gia các chương trình giám sát dịch bệnh động vật của Nhà nước đối với các bệnh chưa được công nhận an toàn; được hỗ trợ tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.
5. Các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
III. Nội dung thực hiện
Cơ sở xây dựng, thực hiện các kế hoạch: Kế hoạch an toàn sinh học, Kế hoạch giám sát dịch bệnh và Kế hoạch ứng phó dịch bệnh và lưu giữ thông tin, dữ liệu theo quy định tại Điều 12 Thông tư 24
Liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (qua phòng Quản lý dịch bệnh, ĐT 02383.800.115; email: phongdichtenghean@gmail.com để được hướng dẫn, thẩm định các kế hoạch trước lúc triển khai).
* Kế hoạch an toàn sinh học (Điều 5, Thông tư 24):
1. Xây dựng, rà soát, điều chỉnh kế hoạch an toàn sinh học
Đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh: Chủ cơ sở tổ chức xây dựng, hê duyệt và thực hiện; thường xuyên rà soát, điều chỉnh và bổ sung kế hoạch bảo đảm phù hợp với thực tiễn sản xuất tại cơ sở; ứng phó kịp thời với những thay đổi mối nguy gây mất an toàn sinh học tại cơ sở và các khu vực xung quanh.
2. Nội dung kế hoạch an toàn sinh học
a) Các biện pháp chủ động phòng bệnh cho động vật nuôi theo quy định hiện hành;
b) Nhận diện, phân tích nguy cơ và các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ tác nhân gây bệnh có thể xâm nhiễm từ ngoài vào hoặc lây lan bên trong cơ sở;
c) Tổng hợp, cung cấp thông tin, số liệu, bằng chứng về các nguy cơ dịch bệnh, khả năng tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào hoặc phát tán ra khỏi cơ sở thông qua các hoạt động tại cơ sở.
3. Cơ sở phải tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về kiểm soát dịch bệnh đối với các bệnh đăng ký công nhận an toàn cho người trực tiếp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và những người khác có liên quan của cơ sở.
*Kế hoạch giám sát dịch bệnh (Điều 6, Thông tư 24):
1. Xây dựng, rà soát, điều chỉnh kế hoạch giám sát dịch bệnh
Đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh: Chủ cơ sở tổ chức xây dựng, phê duyệt và thực hiện, bảo đảm tuân thủ quy định:
a) Xây dựng và giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
b) Khi tham gia chương trình giám sát dịch bệnh động vật (Chương trình giám sát dịch bệnh đối với một số bệnh truyền nhiễm tỉnh ban hành), chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện theo yêu cầu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y và được vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng có dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y;
c) Theo dõi, ghi chép quá trình nuôi, phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật;
d) Báo cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y khi có kết quả kiểm tra xác định động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch và Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người; thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.
 2. Kế hoạch giám sát dịch bệnh phải được xây dựng, thiết kế bảo đảm mục tiêu phát hiện có hoặc không có tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn hoặc đánh giá mức độ đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng vắc xin của động vật nuôi đối với các bệnh đăng ký công nhận an toàn.
3. Nội dung kế hoạch giám sát dịch bệnh
a) Theo dõi, ghi chép tình trạng sức khỏe, các dấu hiệu động vật nghi mắc bệnh, các triệu chứng, bệnh tích của bệnh trong suốt quá trình nuôi;
b) Quy trình báo cáo dịch bệnh cho nhân viên thú y, chính quyền hoặc cơ quan thú y địa phương trong trường hợp nghi ngờ động vật mắc bệnh truyền nhiễm; kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và tổ chức điều tra dịch tễ, xác định nguyên nhân;
c) Giám sát tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn, các dấu hiệu động vật nuôi đã bị nhiễm tác nhân gây bệnh hoặc các xét nghiệm khang định động vật nuôi đạt mức độ đáp ứng miễn dịch đối với các bệnh đăng ký công nhận an toàn;
d) Đối tượng giám sát: Động vật giống, động vật nuôi, động vật hoang dã mẫn cảm với bệnh đăng ký công nhận an toàn; vật chủ trung gian có khả năng mang tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn. Đối với động vật thủy sản, ngoài các đối tượng lấy mẫu giám sát nêu trên phải bổ sung thêm mẫu giám sát là thức ăn tươi sống (nếu có) và nguồn nước cấp cho khu vực sản xuất;
đ) Địa điểm giám sát: Khu vực sản xuất, nơi cách ly động vật, nơi bảo quản thức ăn dùng cho động vật, nguồn cung cấp nước, khu vực có nguy cơ xuất hiện tác nhân gây bệnh;
e) Lấy mẫu và xét nghiệm mẫu giám sát: Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư 24.
4. Thời gian giám sát
a) Thời gian giám sát được tính từ ngày chủ cơ sở thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh;
b) Thời gian giám sát đảm bảo tối thiểu 12 tháng (bao gồm cả thời gian nghỉ giữa các vụ nuôi trong năm) tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh.
* Kế hoạch ứng phó dịch bệnh (Điều 8, Thông tư 24):
1. Xây dựng, rà soát, điều chỉnh kế hoạch ứng phó dịch bệnh
Đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh: Chủ cơ sở tổ chức xây dựng, phê duyệt và thực hiện; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung và có biện pháp khắc phục, bảo đảm phù hợp với thực tiễn sản xuất, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tại cơ sở, hoặc các sự cố ở khu vực xung quanh có nguy cơ gây mất an toàn dịch bệnh cho cơ sở.
2. Nội dung kế hoạch ứng phó dịch bệnh
a) Dự phòng các nguồn lực, bảo đảm phân công rõ trách nhiệm những người tham gia, đáp ứng yêu cầu để xử lý dịch bệnh; tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tại cơ sở hoặc tại khu vực xung quanh; dự phòng đủ kinh phí, hóa chất, bảo hộ cá nhân, phương tiện, dụng cụ chuyên dùng để xử lý dịch bệnh; có phương án xử lý động vật chết, mắc bệnh, nghi mắc bệnh và động vật tại cơ sở;
b) Báo cáo cho chính quyền địa phương và Cơ quan thú y về tình hình và các biện pháp xử lý dịch bệnh tại cơ sở để xác định nguyên nhân và hạn chế lây lan dịch bệnh;
c) Phối hợp với Cơ quan Thú y thực hiện điều tra, chẩn đoán, lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh;
d) Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường theo quy định;
đ) Chỉ nuôi, thả lại tại nơi đã xảy ra dịch bệnh sau khi đã xử lý xong dịch bệnh động vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Cơ quan thú y.

Hình ảnh: Đoàn công tác của Chi cục giám sát lấy mẫu giống tôm thẻ chân trắng tại Công ty TNHH Việt Úc Nghệ An
IV. Điều kiện được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh (Điều 10, Thông tư 24)
1. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh động vật đáp ứng các quy định tương ứng của pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản và hướng dẫn chuyên môn của Cơ quan thú y
a) Vị trí địa lý đáp ứng các quy định của pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản; tách biệt với cơ sở khác có chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cùng loài động vật cảm nhiễm; tách biệt với các nguồn có khả năng làm lây nhiễm bệnh đăng ký công nhận an toàn;
b) Khu vực xử lý xác động vật, chất thải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và thú y; khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải ngăn cách với các khu vực khác của cơ sở; các khu vực có nguy cơ nhiễm chéo phải có biển cảnh báo và bố trí tách biệt với nhau, bao gồm: Kho để vật tư nông nghiệp; khu nuôi cách ly động vật; khu vực mổ khám; khu xử lý xác động vật; khu vệ sinh, khử trùng tiêu độc dụng cụ dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;
c) Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để giảm thiểu nguy cơ mang tác nhân gây bệnh theo quy định hiện hành;
d) Có biện pháp ngăn chặn động vật hoang dã, các loài động vật khác và vật chủ trung gian truyền bệnh xâm nhập vào khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;
đ) Có hệ thống khử trùng, tiêu độc cho người, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị và vật tư cần thiết khác tại lối ra, vào cơ sở, khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;
e) Có trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, phù hợp với đối tượng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, dễ vệ sinh, khử trùng để giảm thiểu nguy cơ mang tác nhân gây bệnh;
g) Có kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn sinh học theo quy định tại Điều 5 Thông tư 24.
2. Có kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh động vật theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư 24.
3. Không xảy ra dịch bệnh động vật: Thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư 24, cụ thể:
- Đối với các cơ sở lần đầu có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong thời gian dưới 12 tháng tính đến thời điểm đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh được xem xét công nhận an toàn dịch bệnh khi đáp ứng:
+ Không có bệnh đăng ký công nhận an toàn trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu hoạt động đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký công nhận;
+ Địa bàn cấp xã nơi có cơ sở đăng ký không có bệnh đăng ký công nhận an toàn trong ít nhất 12 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký;
+ Tần suất, phương pháp lấy mẫu thực hiện theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 7 Thông tư 24. Mẫu giám sát có kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư 24.
- Đối với các cơ sở có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong thời gian từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh: Không có bệnh đăng ký công nhận an toàn trong ít nhất 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký và mẫu giám sát có kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư 24.
4. Hoạt động thú y tại cơ sở bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh động vật
a) Thực hiện theo quy định tương ứng tại các Điều 14, 15, 19, 20, 25, 27, 28, 29, 32, 33 và Điều 35 Luật Thú y, quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định tại Thông tư 24;
b) Có kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó dịch bệnh theo quy định tại Điều 8 Thông tư 24.

Hình ảnh: Lấy mẫu tôm giống thực hiện chương trình giám sát dịch bệnh tại Công ty TNHH Việt Úc Nghệ An.
V. Hồ sơ, đăng ký công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh
1. Thành phần hồ sơ: (1) Đơn đăng ký theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 24; (2) Bản mô tả thông tin về cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 24; (3) Báo cáo khắc phục sai lỗi đối với trường hợp cơ sở chưa đạt yêu cầu sau khi có thông báo của đoàn kiểm tra, thẩm định.
2. Địa điểm nộp hồ sơ: Trực tiếp hoặc qua dịch vụ công trực tuyến, gửi qua dịch vụ bưu chính đến địa chỉ: Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An, Số 16 Trường Thi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An./.
                                           Hoàng Hường - Phòng Quản lý dịch bệnh
 

Tác giả: cuongtramtycc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây