TIÊM PHÒNG VẮC XIN Phương pháp phòng dịch bệnh chủ động cho động vật rẻ tiền, hiệu quả nhất

Chủ nhật - 17/09/2023 22:11 334 0
Trên lộ trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực đã giúp cho nền nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng có động lực để phát triển, tổng đàn vật nuôi ngày càng tăng, hình thành các chuỗi sản xuất công nghệ cao trong chăn nuôi, các sản phẩm ngành chăn nuôi có cơ hội đến với người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.
TIÊM PHÒNG VẮC XIN Phương pháp phòng dịch bệnh chủ động cho động vật rẻ tiền, hiệu quả nhất
Nghệ An là tỉnh có tổng đàn chăn nuôi lớn, mật độ chăn nuôi cao, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra thường xuyên, mối nguy về dịch bệnh đe dọa đến tổng đàn vật nuôi của tỉnh. Việc giữ vững và phát triển tổng đàn vật nuôi, tạo ra nguồn sản phẩm đạt tiêu chí an toàn thực phẩm cung cấp ra thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh tạo “hành lang sạch” cho chăn nuôi phát triển thì Công tác tiêm phòng vắc xin để phòng các bệnh truyền nhiễm cho vật nuôi, tạo ra miễn dịch chủ động giúp con vật phòng chống bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất.
Thực tế chứng minh các bệnh truyền nhiễm khi chưa có vắc xin để tiêm phòng thì bùng phát và lây lan rất mạnh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi như bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ năm 2019 đến 2022 do chưa có vắc xin để tiêm phòng bệnh nên dịch bệnh xảy ra tràn lan tại 21 huyện, thành, thị trong tỉnh Nghệ An, số lợn mắc bệnh ốm chết tiêu hủy lên tới hàng nghìn con, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước và nhân dân. Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò các năm 2020, đầu năm 2021 chưa có vắc xin để tiêm phòng, cơ thể con vật không đề kháng lại được bệnh nên dịch xảy ra gây chết rất nhiều trâu bò, nhưng đến giữa năm 2022 có vắc xin Viêm da nổi cục tiêm phòng đại trà cho đàn trâu, bò thì bệnh dần được khống chế, hiện nay bệnh chỉ xảy ra nhỏ lẻ ở những con vật chưa được tiêm phòng.

Hình ảnh: Tiêu huỷ gia cầm mắc bệnh Cúm A/H5N1 tại xã Hưng Chính, TP. Vinh
Xác định được vai trò,  nhiệm vụ của mình trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An hàng năm đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT các văn bản chỉ đạo UBND các huyện tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ cho gia súc, gia cầm, đồng thời Chi cục thành lập các đoàn làm việc với UBND cấp huyện, cấp xã để kiểm tra, đốc thúc trong công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh; phân công cán bộ chỉ đạo điểm thường xuyên xuống cơ sở để hướng dẫn, nắm bắt tình hình, hỗ trợ các địa phương trong tổ chức, thực hiện.




Hình ảnh: Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT làm việc với UBND thị xã Hoàng Mai về công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh động vật.






Hình ảnh: Đoàn công tác của Chi cục làm việc với UBND huyện, xã về triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm năm 2023.
Thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản năm 2023, các văn bản của UBND tỉnh Nghệ An về việc tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023, các huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương, ban hành văn bản, giao chỉ tiêu tiêm phòng, tổ chức họp trước, sau mỗi vụ tiêm. Thực tế đã chứng minh huyện nào có lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo sâu sát thì kết quả tiêm phòng đạt tỷ lệ cao. Đi đầu trong công tác tiêm phòng phải nói tới huyện Đô Lương, Nam Đàn, Yên Thành, được thể hiện ở công tác lãnh đạo chỉ đạo, kết quả tiêm phòng luôn đạt tỷ lệ theo yêu cầu, quy định ở vụ Xuân năm 2023 và các đợt tiêm của các năm trước đó.

Hình ảnh: Kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc vụ Thu năm 2023 tại xã Trù Sơn, huyện Đô Lương
Trong thời gian hiện nay thời tiết đã vào giai đoạn chuyển mùa, mùa hè các đợt nắng nóng kéo dài thì nay thay vào đó là các đợt mưa rào bất chợt, thời gian tới dự kiến sẽ có các đợt rét đậm, rét hại, lũ lụt..., sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm, bên cạnh đó mầm bệnh sinh sôi phát triển, phát tán xâm nhập và gây bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Tiêm phòng là công tác phòng dịch chủ động luôn được triển khai đồng loạt trước thời gian nguy cơ dịch bệnh có khả năng bùng phát. Trên cơ sở đó Chi cục đã tham mưu UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành lịch tiêm phòng, các loại vắc xin bắt buộc tiêm phòng định kỳ chung cho toàn tỉnh. Theo đó, mỗi năm có 02 đợt tiêm phòng chính , đợt 1 tổ chức từ 15/3 đến 15/4, đợt 2 từ 15/9 đến 15/10, ngoài ra hàng tháng có các đợt tiêm phòng bổ sung để luôn đảm bảo tất cả các con vật nuôi được bảo hộ đối với các loại bệnh.
Theo quy định các loại vắc xin bắt buộc phải tiêm phòng cho vật nuôi bao gồm:
- Trâu bò: Tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục.
- Lợn: Tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn.
- Dê, cừu: Tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng.
- Gà, chim cút: Tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Niu cát xơn.
- Vịt, ngan: Tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Dịch tả vịt.
- Chó, mèo: Tiêm phòng vắc xin Dại.
- Đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Tai xanh ở lợn: Khuyến khích chủ trang trại, gia trại, người chăn nuôi lợn tiêm phòng bệnh cho đàn lợn.
- Đối với các bệnh: Lepto, Phó thương hàn lợn, Ung khí thán trâu bò, Suyễn lợn, CRD, Gumboro, Niu-cát-xơn...: căn cứ vào tình hình dịch tễ trên địa bàn, UBND các huyện thành thị xây dựng kế hoạch tiêm phòng cho gia súc, gia cầm tại các vùng thường xảy ra dịch.


Hình ảnh: Kiểm tra công tác bảo quản, sử dụng vắc xin trong tiêm phòng
Để triển khai thực hiện phòng chống dịch bệnh hiệu quả bằng phương pháp tiêm phòng đòi hỏi các cấp, các ngành, người dân phải chung tay thực hiện các biện pháp cụ thể như sau:
Chính quyền các cấp chuẩn bị đầy đủ điều kiện, nhân lực, vật lực cho công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm định kỳ hàng năm: Thành lập ban/tổ tiêm phòng; Thống kê, xác định đối tượng vật nuôi phải tiêm phòng; Giao chỉ tiêu, thời gian cụ thể cho cơ sở; Tổ chức kiểm tra, đốc thúc, hướng dẫn, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong quá trình thực hiện; Tổ chức sơ kết công tác tiêm phòng, tuyên dương các đơn vị thực hiện tốt, phê bình các đơn vị còn yếu kém; Tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ tác dụng của việc phòng dịch cho vật nuôi chủ động bằng vắc xin để người dân nắm rõ, tự giác thực hiện; Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh cho động vật bằng vắc xin.

Hình ảnh: Tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm vụ thu năm 2023 tại xã Lam Sơn, huyện Đô Lương
Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động chăn nuôi phải khai báo với chính quyền địa phương và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định tại Luật Chăn nuôi, Luật Thú y. Chủ động bố trí kinh phí thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch của huyện, của tỉnh./.
Thu Nguyệt – Phòng Quản lý dịch bệnh
 

Tác giả: cuongtramtycc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây