NGHỆ AN: TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

Chủ nhật - 24/12/2023 20:51 322 0
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ. Đặc biệt phát sinh nhiều ổ dịch tại huyện Đô Lương và tiêu hủy lợn với số lượng lớn tại huyện Anh Sơn.
NGHỆ AN: TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
Để chấn chỉnh công tác phòng chống dịch tại các địa phương, kịp thời chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch như giám sát phát hiện sớm, tiêu hủy theo đúng quy đinh, lập các chốt kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn, thực hiện nghiêm vệ sinh tiêu độc khử trùng tại cơ sở... Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đồng chí Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại cơ sở để nắm bắt tình hình; trên cơ sở đó chỉ đạo, đôn đốc các địa phương làm tốt công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh.


Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh làm việc tại huyện Anh Sơn



Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh làm việc tại huyện Đô Lương


Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch bệnh


Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chăn nuôi lợn


Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại hộ chăn nuôi bị dịch

Qua kiểm tra trực tiếp công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đồng chí Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đồng chí nhấn mạnh, để công tác phòng, chống được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, quyết liệt và đạt hiệu quả cao, UBND cấp xã, cấp huyện cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
(1) Chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt áp dụng nghiêm các giải pháp tại Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 về việc ban hành kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An; thành lập các tổ phản ứng nhanh, báo cáo, xử lý ổ dịch khi mới phát hiện, tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn chết đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, tránh làm lây lan dịch bệnh.
(2) Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời thu gom, tiêu hủy động vật mắc bệnh và chất thải theo quy định. Tuyên truyền người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
(3) Huy động mọi nguồn lực triển khai chống dịch một cách hiệu quả; chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch (mua vôi bột, hóa chất, tiêu hủy, hỗ trợ đoàn liên ngành, tổ, chốt kiểm soát dịch bệnh,…). Rà soát, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
(4) Tổ chức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tiêm phòng vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
(5) Phân công lực lượng chuyên môn bám sát địa bàn, tăng cường giám sát đến tận thôn, xóm, nhất là khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực nguy cơ cao để phát hiện và xử lý dịch kịp thời. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và môi trường xung quanh.
(6) Triển khai đảm bảo đúng quy trình về hồ sơ hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách theo chỉ đạo tại công văn số 9496/UBND-NN ngày 03/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh và công văn số 900/CNTY-HCTH.QLDB ngày 15/11/2023 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về việc hướng dẫn hồ sơ hỗ trợ gia súc bị thiệt hại do bệnh DTLCP và bệnh Viêm da nổi cục.
(7) Báo cáo tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch hàng ngày cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y
(8) Đối với các xã đang có dịch: Tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh các ổ dịch mới. Thực hiện nghiêm công tác tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, đặc biệt tại các hộ bị dịch, hố tiêu hủy, chốt chặn theo đúng quy định của Luật Thú y./.
                                                                   NGUYỄN VIẾT LƯƠNG
                                                  TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ DỊCH BỆNH
 

Tác giả: cuongtramtycc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây