Giải pháp xử lý môi trường phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Chủ nhật - 17/12/2023 20:27 197 0
Nghệ An là một trong những tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước, đa dạng các loại vật nuôi. Trong những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; năng suất và chất lượng các loại sản phẩm thịt, trứng, sữa không ngừng được nâng lên; đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 5,24%/năm, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 47,94%.
Theo số liệu của Cục Thống kê Nghệ An, tổng đàn vật nuôi năm 2023 ước đạt như sau: Tổng đàn trâu, bò 801.377 con, tăng 1,86% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: đàn trâu 266.182 con, đàn bò 535.195 con, đàn bò sữa 80.500 con tăng 2,11%). Tổng đàn lợn 1.002,783 con, tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn gia cầm 36.128 nghìn con tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước.
Về sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2023 ước đạt 279.322 tấn, tăng 4,93% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: thịt trâu 13.500 tấn, thịt bò 25.000 tấn, thịt lợn 151.000 tấn, thịt gia cầm 84.000 tấn, thịt dê 2.800 tấn, thịt gia súc khác 3.022 tấn. Sản lượng trứng ước đạt 700.000 quả tăng 8,61% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng sữa tươi ước đạt 317.000 tấn, tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng năm, trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh được UBND tỉnh phê duyệt Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu UBND tỉnh 3-6 đợt tiêu độc khử trùng môi trường trong chăn nuôi gồm tiêu độc khử trùng định kỳ, tiêu độc khử trùng đột xuất khi có dịch bệnh và lũ lụt xẩy ra để chủ động công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Số lượng hóa chất đã sử dụng để phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản từ năm 2020-2023 đã sử dụng 268.013 lít hóa chất các loại. Cụ thể như sau:
Bảng 1. Số lượng hóa chất sử dụng để tiêu độc khử trùng
giai đoạn 2020-2023
 
Năm Hóa chất (lít)
Tổng cộng (lít)
Benkocid IODINE Chlorine ECO OMIC
2020 5.414 50.400 32.500 - 88.314
2021 25.077 14.208 24.200 134 63.619
2022 14.923 891 31.400 1.664 48.878
2023 - 8.000 59.000 202 67.202
Tổng 45.414 73.499 147.100 2.000 268.013

Về khử trùng tiêu độc định kỳ
+ Phạm vi khử trùng: Tổ chức phun khu vực chuồng trại chăn nuôi của các xã, thị trấn có dịch, ổ dịch cũ, vùng bị dịch uy hiếp, vùng nguy cơ cao, vùng chăn nuôi trọng điểm; những nơi tập kết, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm; hố tiêu hủy động vật; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm,... trên địa bản tỉnh.
+ Tần suất: Được triển khai thực hiện 2-3 đợt/năm.
+ Loại hóa chất: Iodine 10%, Benkocid, Chlorine 65-70% hoặc các loại hóa chất khác nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Số lượng hóa chất: Mỗi đợt bình quân 10.000 - 15.000 lít (kg) hóa chất.
          Về khử trùng tiêu độc khi có dịch bệnh xảy ra
Hàng năm, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh cấp hóa chất để xử lý chống dịch đột xuất. Đồng thời, UBND các huyện chủ động mua hóạ chất, vội bột để triển khai chống dịch; người chăn nuôi tự bỏ kinh phí mua hóa chất, vôi để khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi của gia hộ đình.
Về giải pháp khôi phục sản xuất chăn nuôi sau thiên tai, dịch bệnh
- Tổ chức truyền nguy cơ các loại dịch bệnh có thể xẩy ra sau lũ lụt để người dân chủ động các biện pháp phòng chống. Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn vật nuôi để phát hiện, điều trị. Trường hợp gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh, phải báo với cơ quan thú y địa phương để có biện pháp xử trí kịp thời.
- Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tổ chức rà soát, thống kê thiệt hại đối với sản xuất chăn nuôi gồm số lượng chuồng trại bị ngập, hư hỏng do lũ lụt; số lượng gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; số diện tích trồng cỏ, cây thức ăn bị ngập úng, hư hỏng,...
- Hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ gia súc, gia cầm bị thiệt hại do lũ lụt để tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ theo chính sách tại Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/06/2017 của UBND tỉnh Nghệ An quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Cụ thể hỗ trợ đối với gia súc, gia cầm thiệt hại do thiên tai:
+ Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000 - 35.000 đồng/con;
+ Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000 - 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 - 1.000.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;
+ Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1.000.000 - 3.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3.100.000 - 10.000.000 đồng/con;
+ Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 500.000 - 2.000.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.100.000 - 6.000.000 đồng/con;
+ Hươu, nai, cừu, dê: Hỗ trợ 1.000.000 - 2.500.000 đồng/con.
 - Tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp khắc phục như tu sửa che chắn chuồng trại, các biện pháp tái đàn, hố trợ con giống, vật tư chăn nuôi, thức ăn, vắc xin phòng bệnh,..
- Hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp tìm kiếm nguồn thức ăn từ các phu phế phẩm nông nghiệp, phối trộn khẩu phần ăn; đặc biệt là đối với gia súc nhai lại do các đồng cỏ, bãi chăn thả bị ngập lụt; chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như tiêm phòng vắc xin,...
Về các giải pháp xử lý môi trường sau bão lũ
- Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị rà soát, thống kê tổng hợp diện tích bị ngập úng, đặc biệt là tại các địa bàn tập trung nhiều số lượng vật nuôi, khu vực chăn thả gia súc, hố chôn gia súc, gia cầm do dịch bệnh, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật,..
- Trên cơ sở tổng hợp số lượng diện tích bị ngập úng, căn cứ tính chất nguy cơ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẩn trương cấp hóa chất để tiêu độc khử trùng từ nguồn dự trữ (nếu có) hoặc trình UBND tỉnh xin Trung ương hỗ trợ.
- Tham mưu ban hành ngay UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổng vệ sinh xử lý môi trường chăn nuôi sau lũ lụt, trong đó giao trách nhiệm cho các địa phương thu gom xác gia súc, gia cầm (nếu có), thu gom rác thải, chất thải, vệ sinh dọn dẹp sạch sẽ, tổ chức phun tiêu độc khử trùng; hướng dẫn người chăn nuôi mua thêm vôi bột, hóa chất để xử lý môi trường, tiêu độc khử trùng tại hộ gia đình,...
- Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật: Tiến hành quét dọn và phun thuốc sát trùng định kỳ 1 lần/ngày toàn bộ chuồng nuôi; phun lần lượt khắp chuồng nuôi, trần nhà, tường, nền chuồng… bằng thuốc sát trùng trong 1 tuần đầu, 3 lần/ tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo. Rải vôi bột hoặc phun dung dịch vôi 1% lên toàn bộ bề mặt nền chuồng, lối đi, hành lang, cổng, đường… đảm bảo bề mặt phải được phủ trắng vôi. Đối với các phương tiện vận chuyển, tiến hành vệ sinh tất cả bề mặt của xe như: thùng xe, bánh xe, gầm xe, hai bên hông xe… bằng xà phòng. Sau đó, sử dụng vòi phun có áp lực cao phun sạch bề mặt và sử dụng thuốc sát trùng phun trùm toàn bộ bề mặt phương tiện. Đối với môi trường xung quanh, toàn bộ cây, cỏ khu vực xung quanh chuồng nuôi phải được phun dung dịch vôi 1%; nạo vét, khơi thông cống rãnh; rải vôi bột lên toàn bộ bề mặt cống rãnh.


Trần Võ Ba - Phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi
 

Tác giả: cuongtramtycc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây