Hội nghị tập huấn về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Diễn Châu năm 2023

Chủ nhật - 24/12/2023 20:50 331 0
Ngày 21/12/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với UBND huyện Diễn Châu tổ chức lớp tập huấn an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi cho các cán bộ công chức nông nghiệp xã, cán bộ thú y xã; các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn huyện Diễn Châu. Dự và chỉ đạo tập huấn có đồng chí Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu.
Hội nghị tập huấn về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Diễn Châu năm 2023


                Toàn cảnh hội nghị tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm

Phát biểu khai mạc tại lớp tập huấn đồng chí Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNN huyện đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATTP trong lĩnh vực chăn nuôi. Theo đó trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, giáo dục được triển khai kịp thời hướng dẫn cơ sở thực phẩm tuân thủ các quy định của nhà nước trong sản xuất chăn nuôi, thú y; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm thực phẩm được chú trọng và thường xuyên thực hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt không xảy ra vụ ngộ độc nghiêm trọng. Ngoài ra, ngành chăn nuôi tỉnh đang hướng tới đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch tễ, chuyển dịch từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, phân tán, ô nhiễm, rủi ro cao sang sản xuất trang trại theo hướng công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, theo các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, khép kín, đảm bảo tính kinh tế, tuần hoàn, nông nghiệp xanh đáp ứng các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa trong nước, tương thích với quy chuẩn, tiêu chuẩn Quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới các thị trường xuất khẩu.
Tại buổi tập huấn, các đồng chí gảng viên của Chi cục Chăn nuôi và Thú y phổ biến, giới thiệu, hướng dẫn các nội dung, chuyên đề an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm, Luật Chăn nuôi; Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT về quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm và biện pháp phòng tránh; các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở chăn nuôi...
Về các mối nguy gây ô nhiễm mất an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp gồm:
- Mối nguy sinh học: Virus, vi khuẩn, kí sinh trùng trong thực phẩm có thể gây hại cho người tiêu dùng. Nguồn gốc của các mối nguy sinh học xuất phát từ việc lấy nhiễm từ công nhân vệ sinh kém, mang mầm bệnh; nhà xưởng, trang thiết bị không sạch, không tiêu diệt các động vật gây hại, môi trường chăn nuôi không sạch sẽ.
- Mối nguy hóa học: Yếu tố hóa học có sẵn hoặc thêm vào trong thực phẩm có thể gây hại cho người tiêu dùng: Các kim loại nặng, thuốc trừ sâu, dư lượng thuốc thú y, các hóa chất tẩy rửa, độc tố Aflatoxin; thuốc kháng sinh, các hoocmon sử dụng trong quá trình chăn nuôi, các loại phụ gia hoặc phẩm màu không được phép sử dụng
- Mối nguy vật lý: Yếu tố vật lý có thể gây tổn thương cơ học cho người tiêu dùng. Các mối nguy vật lý có thể nhiễm vào trong quá trình sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản gây ra các tác hại cho người tiêu dùng như: tổn thương đường tiêu hóa, có thể đưa các vi sinh vật gây bệnh vào thực phẩm, có thể là dập nát, hư hỏng sản phẩm,...
          Về các quy định đảm bảo ATTP theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT như sau:
- Cơ sở sản xuất sản phẩm nông sản có nguồn gốc động vật phải có địa điểm, diện tích thích hợp, bảo đảm để sản xuất thực phẩm an toàn; không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh. Có khoảng cách thích hợp, không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân ô nhiễm từ môi trường xung quanh (khu dân cư, bệnh viện, các lò giết mổ tập trung, nghĩa trang, khu công nghiệp...).
- Về kết cấu, bố trí trại nuôi phải hợp lý, dễ làm vệ sinh, có hệ thống sát trùng; các khu vực nuôi khác nhau có tường rào ngăn cách; có hệ thống vệ sinh sát trùng…
- Con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, tuân thủ quy trình nhập đàn như tiêm phòng, kiểm dịch, vệ sinh chuồng trại,…Thức ăn đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm hóa chất, tồn dư chất cấm, kháng sinh, bảo quản đúng cách,
- Việc sử dụng thuốc thú y, vắc xin phòng bệnh phải phù hợp, đúng cách, không lạm dụng; tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất…
- Việc cung cấp nước uống phải đủ về số lượng và chất lượng. Hệ thống cung cấp nước (bể chứa, ống dẫn, vòi...) bảo đảm an toàn để cho vật nuôi uống;đối với các trang trại chăn nuôi nước dùng cho chăn nuôi phải đảm bảo quy định QCVN 01-39:2011/BNNPTNT.
- Người trực tiếp sản xuất có kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định, được khám sức khỏe theo quy định; được trang bị bảo hộ lao động; Khu vực vệ sinh cá nhân, thay bảo hộ lao động; nhà vệ sinh; có kiến thức ATTP của người trực tiếp sản xuất.
- Ghi chép và truy xuất nguồn gốc: Các cơ sở chăn nuôi phải có hồ sơ ghi chép theo dõi nguồn con giống, theo dõi quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, việc sử dụng thức ăn, thuốc thú y (ngày mua, tên hàng hóa, người bán, khối lượng, việc sử dụng, thời gian cách ly…). Có hồ sơ ghi chép theo dõi tiêu thụ sản phẩm (ngày, tên sản phẩm, người mua, trọng lượng); biện pháp xử lý khi sản phẩm có vấn đề về ATTP (nếu có).
Kết thúc lớp tập huấn đã nâng cao nhận thức, kiến thức về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi cho các cán bộ công chức nông nghiệp, thú y cấp xã; chủ các cơ sở trang trại chăn nuôi. Từ đó, tạo sự đồng thuận và thống nhất trong nhận thức và hành động, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và tăng cường hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong chăn nuôi góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và hướng tới việc phát triển ngành chăn nuôi ổn định, bền vững, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng./.


Trần Võ Ba- Phòng Quản lý giống và KTCN
 

Tác giả: cuongtramtycc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây