Di truyền giống bò: bước đột phá của ngành chăn nuôi bò sữa

Thứ năm - 25/04/2024 05:14 79 0
Ngày 19/4, tại Thủ Đô Hà Nội. Hội thảo tập huấn “Di truyền giống bò tại Việt Nam” diễn ra nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng công nghệ gen di truyền giống bò sữa trong nước.
Di truyền giống bò: bước đột phá của ngành chăn nuôi bò sữa
Hội nghị có sự tham dự của đại diện: lãnh đạo Cục Chăn nuôi, học viện Nông nghiệp Việt Nam, trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Chăn nuôi; các cơ quan quản lý của 19 tỉnh thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đến từ các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa; các hiệp hội Chăn nuôi, hiệp hội gia súc lớn, hiệp hội sữa Việt Nam.

Hội thảo với sự tham gia của các cơ quan quản lý, các chuyên gia,
 nhà khoa học trong và ngoài nước
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam có doanh nghiệp sữa lọt vào Top 5 thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu do Brand Finance công bố, Top 10 thương hiệu sữa có giá trị nhất toàn cầu và Top 2 thương hiệu mạnh toàn cầu cầu của ngành sữa. Ngành hàng sữa Việt Nam dù đã vươn lên đứng thứ 11 các nước châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 5 về năng suất sữa của đàn bò vắt sữa nhưng sản xuất trong nước vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong đó, Nghệ An được biết đến là địa bàn có nhiều thuận lợi cho việc phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa, với các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, hiện tại Nghệ An đã trở thành trung tâm nuôi bò sữa lớn thứ hai, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh với tổng đàn hơn 80.000 con,  nhờ sự có mặt của các doanh nghiệp lớn ngành sữa, trong đó phải kể đến sự có mặt của tập đoàn TH True milk. Bên cạnh đó là trang trại của Vinamilk và các hộ chăn nuôi vệ tinh khác. Hàng năm, Nghệ An cung cấp một lượng lớn sữa và sản phẩm từ sữa để phục vụ cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Chỉ tính riêng trong năm 2023 sản lượng sữa của tỉnh Nghệ An đứng đầu cả nước với hơn 314 tấn.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng ngành chăn nuôi bò sữa vẫn gặp một số khó khăn như không có đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên, diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi hạn chế.
 
   
 


Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng  đàn bò sữa cả nước đạt 650-700 nghìn con, sản lượng sữa đạt 1,7-1,8 triệu tấn.

Hội thảo cũng là nơi gặp gỡ trao đổi thông tin, chia sẻ các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, kết quả nghiên cứu về công nghệ gen, về các đặc điểm di truyền trong chăn nuôi bò sữa, về kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và chủ trang trại đến từ đất nước Mỹ; đồng thời, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm để phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam.
Chương trình được diễn ra với nhiều nội dung phong phú như: xu hướng sinh sản và di truyền trong chăn nuôi bò sữa; Đánh giá di truyền và chiến lược nhân giống; hoạt động cần thiết để quản lý trang trại bò sữa thành công-điều gì làm nên sự khác biệt; quản lý đàn bò sữa về sinh sản, cạn sữa và stress nhiệt; cải thiện nuôi dưỡng để khai thác tốt hơn tiềm năng di truyền của bò sữa ở Việt Nam; quản lý đàn và sử dụng dữ liệu thông tin.
Theo bà Gwen Powers, Giám đốc cấp cao về dịch vụ kỹ thuật của GENEX cho biết, một con bò có thể tạo ra hơn 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời của mình. Ở Mỹ, ngành chăn nuôi muốn lựa chọn những con bò sữa giống có năng suất cao hơn, nhà nghiên cứu sẽ quan tâm đến dữ liệu đàn để giúp đưa ra các quyết định chính xác hơn. Đồng thời đầu tư vào di truyền để đẩy nhanh tiến độ cũng như thiết lập được kế hoạch nhân giống đàn bò sữa.
Ông Israel Handy, Giám đốc GENEX, nhà chăn nuôi bò sữa từ Mỹ đã mang đến hội thảo một số chia sẻ kinh nghiệm cụ thể ở từng giai đoạn: trong giai đoạn bê sơ sinh, nhà chăn nuôi chú ý đến vacxin, sữa đầu chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh chuồng sinh. Giai đoạn bò cái sau sinh cần đảm bảo vệ sinh chuồng, giám sát chặt chẽ, đặc biệt cần lưu ý bổ sung canxi trong vòng 12 h sau sinh; giai đoạn ngừng vắt sữa cần cung cấp chế độ sinh dưỡng hợp lý; giai đoạn cai sữa cần để ý tiêm vắc xin phòng bệnh, cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý; lựa chọn con giống phải quan tâm đến phả hệ và lên kế hoạch lựa chọn cụ thể.
Chia sẻ về giải pháp cải thiện nuôi dưỡng để khai thác tốt hơn tiềm năng di truyền của bò sữa tại Việt Nam, GS. TS Nguyễn Xuân Trạch cho biết cần: đảm bảo đủ nguồn thức ăn thô quanh năm, thu hoạch cỏ ở độ tuổi thích hợp; lập khẩu phần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bò; có chế độ cho ăn phù hợp./.
Lê Thị Hiền – Phòng Chăn nuôi
 

Tác giả: cuongtramtycc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây