Hướng dẫn các biện pháp phòng chống nắng nóng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Thứ năm - 02/05/2024 06:09 77 0
Dù mới bước vào mùa hè, song có thời điểm nhiệt độ trên 40 độ C; dự báo trong thời gian tới tiếp tục có các đợt nắng nóng cao điểm. Để ứng phó với diễn biến thất thường của thời tiết và nâng cao sức khoẻ cho gia súc, gia cầm, người chăn nuôi cần chủ động chuẩn bị tốt chuồng trại, thức ăn và các biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi
Hướng dẫn các biện pháp phòng chống nắng nóng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng EL Nino xu hướng nhiệt trong những tháng mùa hè năm 2024 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ở mức cao hơn trung bình một số năm trước; đặc biệt sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt, bất thường. Thời tiết nắng nóng là nguyên nhân làm giảm sức đề kháng, nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi như bệnh Lở mồm long móng ở gia súc, bệnh Tụ huyết trùng, bệnh Cúm gia cầm, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò,... Đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Dại ở chó mèo.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống nắng nóng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn một số biện pháp phòng chống nắng nóng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi như sau:
1. Đối với phòng chống nắng nóng
- Tuỳ vào điều kiện cụ thể của chuồng nuôi để lựa chọn hệ thống làm mát cho phù hợp, đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát: Trồng cây dây leo, phủ bèo tây, rơm rạ hoặc lắp đặt hệ thống phun mưa trên mái chuồng; Thiết kế các hệ thống che chắn bằng liếp, bạt, tấm lưới để chủ động che chắn chuồng trại, diện tích che chắn phải rộng để đảm bảo có độ phủ mát tốt; Trồng cây xanh bóng mát xung quanh chuồng nuôi. Đối với các trang trại (hoặc các hộ có điều kiện) nên lắp đặt thêm quạt điện, hệ thống phun sương hoặc nhỏ giọt trong chuồng nuôi. Chủ động các phương án dự phòng để khắc phục kịp thời các sự cố mất điện, thiếu điện.
- Người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho đàn vật nuôi; khi cho gia súc, gia cầm uống nước vào mùa hè cần tránh gây sốc nhiệt. Khẩu phần cho ăn điều chỉnh hợp lý như giảm chất béo, tinh bột, tăng hàm lượng chất đạm (protein), bổ sung thêm các loại chất khoáng, Premix, Vitamin, chất điện giải để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
- Trong mùa nắng nóng nên tắm chải cho gia súc 2-3 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể; cần giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng nuôi đối với gia súc, gia cầm để tạo sự thông thoáng và đảm bảo tiểu khí hậu chuồng nuôi: Với chuồng nuôi trâu bò đảm bảo diện tích chuồng nuôi từ 4 – 6 m2/con, bê nghé 1- 2 m2/con; mật độ trung bình chăn nuôi gà thịt tốt nhất là 6 -8 con/m2; Lợn thịt từ 1,1- 1,3 m2/con.
- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, môi trường xung quanh chuồng nuôi đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng; thu gom và xử lý phân, chất thải chăn nuôi, không để phân và chất thải ứ đọng nhiều sẽ sinh ra khí độc và phát sinh mầm bệnh. Nếu dùng đệm lót sinh học cần giảm độ dày của lớp đệm để tránh làm nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra bà con có thể sử dụng thêm các chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi trong chăn nuôi. Định kỳ 2 lần 1 tuần phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh (sử dụng hoá chất như Virkon, Han-iodin, Benkocid...).
- Những ngày nắng nóng gay gắt, buổi sáng chăn thả trâu bò từ 6-9 giờ; buổi chiều chăn thả muộn từ 16-18 giờ; nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao không chăn thả gia súc ngoài trời nắng gắt, nên nhốt gia súc và cho ăn tại chuồng hoặc chăn thả những nơi có cây xanh, bóng mát. Không để gia súc làm việc nặng, cày kéo trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Đối với trâu, bò cày kéo cần thực hiện theo nguyên tắc buổi sáng đi làm sớm, về sớm và buổi chiều đi làm muộn, về muộn.
- Khi vận chuyển gia súc, gia cầm trong những ngày nắng nóng nên thực hiện vào thời gian buổi sáng sớm và chiều mát. Nếu vận chuyển đường dài cần chú ý cho vật nuôi nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung thức ăn, nước uống và kiểm tra sức khỏe con vật trong quá trình vận chuyển.
 - Sau mỗi đợt nắng nóng kéo dài nên sử dụng thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, bổ sung các chất bổ trợ, vitamin tránh mệt mỏi kéo dài cho gia súc, gia cầm, nhằm tăng cao sức đề kháng, tăng khả năng chống chịu bệnh tật, ổn định hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
 

Công tác dự trữ thức ăn, chuẩn bị chuồng trại cần được người dân quan tâm

2. Đối với phòng chống dịch bệnh
- Người chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi trực tiếp tại chuồng nuôi, trường hợp phát hiện thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện ốm, chết thì cần tách đàn cách ly nhốt riêng con vật, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để khống chế, xử lý ổ dịch trong diện hẹp, đồng thời báo ngay cho cán bộ thú y xã và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện để được hướng dẫn các biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không được dấu dịch, không buôn bán, vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm ốm, chết, không vứt xác vật nuôi chết ra môi trường, không chủ quan, lơ là trong công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh.
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn, kế hoạch của địa phương, đảm bảo tỷ lệ trên 80% tổng đàn. Thường xuyên tiêm bổ sung cho gia súc, gia cầm hết miễn dịch, mới nhập đàn, chưa được tiêm trong vụ chính để tạo miễn dịch quần thể, phòng chống dịch bệnh.
- Định kỳ thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế các loại dịch bệnh phát sinh.
- Người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi, cập nhập diễn biến tình hình thời tiết; đặc biệt là các đợt nắng nóng cao điểm để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng, dịch bệnh gây ra trên đàn vật nuôi.

Lê Thị Hiền – Phòng Chăn nuôi
 

Tác giả: cuongtramtycc

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây