HƯỚNG DẪN Phòng chống bệnh Dại động vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ ba - 04/06/2024 04:16 54 0
1. Giới thiệu về bệnh Dại
1.1. Khái niệm bệnh
a) Bệnh Dại (Rabies) là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng gây ra do vi rút Lyssa và Vesiculo thuộc họ Rhabdoviridae. Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tùy thuộc loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.
HƯỚNG DẪN Phòng chống bệnh Dại động vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An
b) Sức đề kháng của vi rút dại: Vi rút có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ 56°C trong vòng 30 phút, ở 60°C trong 5-10 phút và ở 70°C trong 2 phút. Vi rút bị mất độc lực dưới ánh nắng mặt trời và các chất sát trùng thông thường ở nồng độ 2-5%. Trong điều kiện lạnh 4°C, vi rút sống được từ vài tuần đến 12 tháng, ở nhiệt độ dưới 0°C vi rút sống được từ 3 đến 4 năm. Vi rút dại được bảo tồn chủ yếu trong cơ thể vật chủ.
1.2. Nguồn bệnh và đường truyền lây
a) Loài mắc: Động vật máu nóng, chủ yếu là chó, mèo.
b) Nguồn bệnh: Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó (trên 90%), mèo nuôi và động vật hoang dã như chó sói, chó rừng, ngoài ra còn ở mèo, chồn, cầy, cáo và một số loài động vật có vú khác như gấu trúc, các loài dơi hút máu, dơi ăn sâu bọ.
c) Đường lây truyền: Vi rút xâm nhập qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở.
1.3. Triệu chứng lâm sàng
a) Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh dại có thể thay đổi từ vài ngày đến vài tháng tùy thuộc vào vị trí của vết cắn. Đa số bệnh phát ra trong vòng từ 21 đến 30 ngày sau khi con vật nhiễm vi rút.
b) Các biểu hiện lâm sàng: thường được chia làm 02 thể là thể dại điên cuồng và thể dại câm (bại liệt). Trong thực tế, nhiều con chó mắc bệnh dại biểu hiện cả 2 thể này một cách xen kẽ nhau, thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt.
- Thể dại điên cuồng: được chia làm 3 thời kỳ
+ Thời kỳ tiền lâm sàng: Chó bị dại có dấu hiệu khác thường như trốn vào góc tối, kín đáo, đến gần chủ miễn cưỡng hoặc trái lại, tỏ ra vồn vã thái quá, thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru lên từng hồi; hoặc bồn chồn, nhảy lên đớp không khí.
+ Thời kỳ điên cuồng: các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cùng nhảy lên sủa từng hồi dài. Vết thương nơi bị cắn ngứa, chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu. Chó bỏ ăn, nuốt khó, sốt, dãn đồng tử, con vật có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không nuốt được; chó bắt đầu chảy nước dải, sùi bọt mép, tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt, cắn vu vơ, hay giật mình, đi lại không có chủ định, trở nên dữ tợn, điên cuồng (2 - 3 ngày sau khi phát bệnh). Con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về; trên đường đi, gặp vật gì lạ nó cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, kể cả người.
+ Thời kỳ bại liệt: chó bị liệt, không nuốt được thức ăn, nước uống, liệt hàm dưới và lưỡi nên trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy ra, chân sau liệt ngày càng rõ; chó chết trong khoảng từ 3 - 7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên, do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được.
Thể dại điên cuồng chỉ chiếm khoảng 1/4 các trường hợp chó dại, số còn lại là thể dại câm.
- Thể dại câm: là dạng bệnh không có các biểu hiện lên cơn dại điên cuồng như thường thấy; chó chỉ có biểu hiện buồn rầu. Con vật có thể bị bại ở một phần cơ thể, nửa người hoặc 2 chân sau, nhưng thường là liệt cơ hàm, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra; nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng. Quá trình này tiến triển từ 2 - 3 ngày.
Nhìn chung, thể dại câm tiến triển nhanh hơn thể dại điên cuồng, thông thường chỉ từ 2 - 3 ngày vì hành tủy của con vật bệnh bị vi rút tác động làm rối loạn hệ tuần hoàn và hô hấp sớm hơn.
2. Quy định về quản lý chó, mèo nuôi đ phòng bệnh Dại
2.1. Đối với chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi)
a) Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;
b) Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
c) Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;
d) Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;
đ) Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
2.2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn bao gồm các thông tin sau đây:
- Họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi;
- Số lượng chó nuôi;
- Ngày, tháng, năm tiêm phòng vắc-xin dại.
b) Hằng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn;
c) Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận;
d) Phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông và bắt động vật mắc bệnh Dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách;
đ) Phối hợp với cơ quan y tế tổ chức được tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách theo quy định của ngành y tế.
3. Phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin


Tiêm phòng Dại chó tại xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn
3.1. Đối tượng tiêm phòng bắt buộc: Chó, mèo.
3.2. Thời gian tiêm phòng
a) Hàng năm triển khai chiến dịch tiêm phòng đợt chính vào tháng 3 - 4. Ngoài ra, hàng tháng phải tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc chó, mèo đã hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ.
b) Liều lượng, cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc-xin.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu máu để xét nghiệm, đánh giá hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng vắc xin Dại
3.3. Phạm vi tiêm phòng: Tiêm phòng cho đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt ít nhất 70% tổng đàn.
3.4. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để tổ chức đợt tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo trên địa bàn. Trong vòng 07 ngày trước đợt tiêm phòng và trong thời gian triển khai tiêm phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo hằng ngày trên các phương tiện truyền thông cho cộng đồng dân cư trên địa bàn về địa điểm và ngày tiêm phòng.
3.5. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn cụ thể việc tiêm phòng vắc-xin Dại trên địa bàn, thực hiện tiêm phòng và giám sát việc tiêm phòng và cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh Dại cho chủ vật nuôi có chó, mèo được tiêm phòng vắc xin Dại.
4. Xử lý khn cấp ổ dịch Dại động vật
4.1. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện công bố dịch theo quy định tại Điều 26 của Luật thú y.
4.2. Tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch
a) Tiêm phòng khẩn cấp vắc-xin dại cho toàn bộ đàn chó, mèo khỏe mạnh trong xã có ổ dịch Dại và các xã tiếp giáp với xã có dịch.
b) Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ tiêm phòng; người trực tiếp tham gia tiêm phòng phải là nhân viên thú y hoặc người đã qua tập huấn về tiêm phòng Dại.
c) Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn, quản lý, thực hiện tiêm phòng và giám sát việc tiêm phòng.
d) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tiêm phòng vắc-xin Dại cho chó, mèo để bao vây ổ dịch.
4.3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 9 của Luật thú y. Các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại Điều 25, Điều 27, Điều 28, Điều 29 và Điều 30 của Luật thú y.
4.4. Người tham gia xử lý ổ dịch Dại phải sử dụng bảo hộ cá nhân phù hợp (bao gồm kính bảo vệ mắt, khẩu trang y tế, găng tay, ủng và quần áo bảo hộ) theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
5. Giám sát bnh Di
5.1. Giám sát lâm sàng là biện pháp chủ yếu nhằm phát hiện sớm các ca bệnh dại ở động vật.
5.2. Đối tượng giám sát chủ yếu là đàn chó nuôi ở vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao, địa bàn có chó nghi mắc bệnh Dại cắn người gây tử vong do lên cơn Dại.
5.3. Chủ vật nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất.
5.4. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao phát bệnh Dại, phối hợp với các cơ quan chức năng của ngành y tế xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện Kế hoạch giám sát bệnh dại trên địa bàn.
6. Xử lý động vật khi có ổ dịch Dại xảy ra
6.1. Động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại được xử lý như sau:
a) Tiêu hủy bắt buộc động vật chết, động vật mắc bệnh Dại.
b) Khuyến khích tiêu hủy chó, mèo có dấu hiệu mắc bệnh Dại; trường hợp không tiêu hủy phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh Dại thì phải tiêu hủy theo quy định;
c) Khuyến khích tiêu hủy chó, mèo chưa được tiêm phòng vắc xin Dại nhưng đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh Dại; trường hợp không tiêu hủy phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh Dại thì phải tiêu hủy theo quy định;
d) Chó, mèo vô cớ cắn, cào người phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh Dại thì phải tiêu hủy theo quy định.
6.2. Đối với chó, mèo khỏe mạnh trong vùng có dịch bệnh Dại phải thực hiện nuôi nhốt trong thời gian có dịch.
6.3. Việc xử lý động vật mắc bệnh phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Dại hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận động vật bị mắc bệnh Dại.
6.4. Việc xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh Dại theo hướng dẫn tại Phụ lục 06 được ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
7. Chn đoán xét nghiệm bệnh
7.1. Loại bệnh phẩm: Đầu của chó, mèo mắc bệnh, chết.
7.2. Kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm

Lấy mẫu đầu chó ở xã Bồng Khê, huyện Con Cuông
a) Người lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bệnh dại phải sử dụng bảo hộ cá nhân gồm găng tay dày hoặc đeo 3 lớp găng tay, kính bảo vệ mắt, khẩu trang y tế, tạp dề, ủng cao su;
b) Cố định phần đầu của xác chó, mèo, dùng dao cắt đầu ở vị trí đốt Atlas đầu tiên sau gáy.
7.3. Bao gói và bảo quản: Bọc 3 lớp nilon và cho vào hộp bảo ôn có đá lạnh để bảo quản; dán nhãn, ghi rõ bệnh phẩm đã lấy. Chuyển ngay bệnh phẩm đến phòng thử nghiệm được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Bệnh phẩm phải được gửi kèm theo phiếu gửi Mẫu bệnh phẩm, ghi rõ bệnh sử, triệu chứng, đặc điểm dịch tễ. Nếu chưa gửi đi xét nghiệm ngay thì giữ trong ngăn mát tủ lạnh từ 2°C đến 8°C tối đa trong 48 giờ.
7.4. Cục Thú y hướng dẫn cụ thể quy trình lấy mẫu và chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Dại.
NGUYỄN VIẾT LƯƠNG - CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y
 

Tác giả: cuongtramtycc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây