Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn

Thứ hai - 11/12/2023 23:49 406 0
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hiện nay bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay dịch bệnh đã lây lan ra diện rộng tại nhiều địa phương và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn
Nguyên nhân DTLCP xảy ra chủ yếu là do nhiều địa phương còn chủ quan, lơ là, thiếu các biện pháp quyết liệt; không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch; không chủ động mua vôi bột, hoá chất để vệ sinh, khử trùng tiêu độc; việc tổ chức thực hiện công tác tiêu hủy lợn mắc bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; một số nơi không có chốt kiểm soát dịch bệnh, chưa có các tổ kiểm tra lưu động; Hiện tượng giấu dịch, vứt xác vật nuôi ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường; Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh; Việc tái đàn, tăng đàn, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật… chưa được kiểm soát triệt để theo quy định; thời tiết diễn biến bất thường tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và lây lan…
Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chủ động phối hợp Chi cục Thú y vùng III, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
   
Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh làm việc tại huyện Anh Sơn

Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh làm việc tại xã Phúc Sơn
Qua kiểm tra trực tiếp công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại địa bàn xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn. Đồng chí Lê Đình Huệ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 3 đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đồng chí nhấn mạnh, để công tác phòng, chống được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, quyết liệt và đạt hiệu quả cao, UBND huyện cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
(1) Chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt áp dụng nghiêm các giải pháp tại Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 về việc ban hành kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An; thành lập các tổ phản ứng nhanh, báo cáo, xử lý ổ dịch khi mới phát hiện, tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn chết đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, tránh làm lây lan dịch bệnh.
(2) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã huy động lực lượng của địa phương kiểm tra, giám sát, kịp thời thu gom, tiêu hủy xác động vật ngoài môi trường (sông, ngòi, kênh, mương, bãi rác...). Tuyên truyền người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
(3) Huy động mọi nguồn lực triển khai chống dịch một cách hiệu quả; chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch (mua vôi bột, hóa chất, tiêu hủy, hỗ trợ đoàn liên ngành, tổ, chốt kiểm soát dịch bệnh,…). Rà soát, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
(4) Khẩn trương rà soát, tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi (Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục, Dại chó mèo...; tổ chức tuyên truyền, vận động việc tiêm phòng vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt khi tỉnh có kế hoạch triển khai) đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.
(5) Phân công lực lượng chuyên môn bám sát địa bàn, tăng cường giám sát đến tận thôn, bản, nhất là khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực nguy cơ cao để phát hiện và xử lý dịch kịp thời. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và môi trường xung quanh.
(6) Triển khai đảm bảo đúng quy trình về hồ sơ hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách theo chỉ đạo tại công văn số 9496/UBND-NN ngày 03/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh và công văn số 900/CNTY-HCTH.QLDB ngày 15/11/2023 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về việc hướng dẫn hồ sơ hỗ trợ gia súc bị thiệt hại do bệnh DTLCP và bệnh Viêm da nổi cục.
(7) Báo cáo tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch hàng ngày cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y).
(8) Đối với các xã đang có dịch: Tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh các ổ dịch mới.
Thực hiện nghiêm công tác tiêu hủy theo đúng quy định của Luật Thú y, có sự giám sát chặt chẽ giữa cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Tổ tiêu hủy cấp xã (cán bộ phụ trách nông nghiệp; thú y; lãnh đạo UBND xã) trong việc xác định trọng lượng tiêu hủy đảm bảo tính chính xác, đúng đối tượng. Tập trung toàn lực, khẩn trương vào cuộc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đãban hành Quyết định thành lập 5 Tổ kiểm tra nhằm tăng cường giám sát, hỗ trợ các địa phương triển khai phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi, dự kiến thời gian hoạt động kéo dài đến hết tháng 12/2023./.
                                                                   DƯƠNG VĂN TƯƠNG
                                                          PHÒNG QUẢN LÝ DỊCH BỆNH
 

Tác giả: cuongtramtycc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây