Nghệ An: Chủ động phòng ngừa bệnh Đậu mùa khỉ và dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Thứ sáu - 28/10/2022 03:34 169 0
Bệnh Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút thuộc giống Orthopoxvirus, họ Poxviridae gây ra (có 02 biến chủng Tây Phi và biến chủng lưu vực Công-gô). Các ca bệnh xảy ra trong năm 2022 đều là biến chủng ở Tây Phi. Bệnh có thể lây truyền giữa người với các loài động vật linh trưởng, loài gặm nhấm nhỏ, sóc và chó nhà.
Nghệ An: Chủ động phòng ngừa bệnh Đậu mùa khỉ và dịch bệnh trên đàn vật nuôi
 Mặc dù vi rút Đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm trên nhiều loài động vật có vú, tuy nhiên đến nay, hầu hết các ca bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên người; ca bệnh phát hiện trên động vật rất ít; đường lây lan chủ yếu từ người sang người là do tiếp xúc gần với người mắc bệnh (vào năm 2003, một đợt bùng phát bệnh Đậu mùa khỉ đáng chú ý đã xảy ra ở Hoa Kỳ, khi đó những loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh được nhập khẩu từ Châu Phi để làm vật nuôi đã lây lan vi rút sang những con chó nuôi trên đồng cỏ, sau đó lây nhiễm sang 40 người ở miền Trung Tây ở 06 tiểu bang. Tháng 8/2022, tại Pháp đã ghi nhận một trường hợp người mắc bệnh Đậu mùa khi làm lây nhiễm vi rút sang chó nuôi).

Hình 1. Bệnh Đậu mùa khỉ
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, bệnh Đậu mùa khỉ phát sinh và lây lan trên diện rộng cần triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động động vật theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời tổ chức phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022.
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
- Tổ chức thực hiện tuyên truyền tới người dân về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nhấn mạnh đặc điểm bệnh Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm có thể lây truyền giữa người với người và các loài động vật linh trưởng, loài gặm nhấm nhỏ và chó nhà. Khuyến cáo người dân chủ động thông báo với thú y địa phương, khi phát hiện động vật có triệu chứng nghi ngờ hoặc mắc bệnh (con vật có các biểu hiện ốm như sốt, bỏ ăn, ăn ít, phát ban và có xuất hiện nhiều mụn nước trên da); đối với người bị bệnh Đậu mùa khỉ không vuốt ve, âu yếm, ôm, hôn, ngủ chung, ăn chung.. với thú cưng.
- Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tăng cường phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng cấp huyện, các cơ quan liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người; khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp nghi ngờ người, động vật mắc bệnh Đậu mùa khỉ, cần chủ động phối hợp tổ chức điều tra ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh trong phòng thí nghiệm và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh Đậu mùa khỉ trên người và vật nuôi tại từng địa phương.
- Sau đợt mưa, lũ gây ngập úng kéo dài các loại dịch bệnh nguy hiểm ở vật nuôi có nguy cơ bùng phát và lây lan, các địa phương cần tăng cường giám sát phát hiện sớm dịch bệnh để huy động nguồn lực khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diên rộng; đồng thời nghiêm túc thực hiện kế hoạch phun tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêm phòng vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm vụ Thu năm 2022 đạt tối thiểu 80% tổng đàn để tạo miễn dịch quần thể.
- Thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh động vật, đồng thời chủ động phòng ngừa lây nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ.

Hình 2. Đường truyền lây bệnh Đậu mùa kỉ
2. Sở Nông nghiệp và Phát triền Nông thôn
- Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh đông vật và bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
+ Phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị liên quan trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật, đồng thời giám sát chặt chẽ các trường hợp động vật nhập cảnh có nguy cơ lây nhiễm bệnh, đặc biệt động vật xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch bệnh Đậu mùa khỉ.
+ Căn cứ vào kết quả giám sát, đặc điểm dịch tễ bệnh động vật, tiến hành dự báo, cảnh báo về tình hình dịch bệnh ở động vật và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; trường hợp phát hiện dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người phải thông báo ngay cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, cảnh báo tới người chăn nuôi và cộng đồng thực hiện các biện pháp cách ly động vật lây nhiễm, phòng, chống dịch bệnh động vật lây sang người.
3. Sở Y tế
- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế tại công văn số 5470/BYT-DP ngày 3/10/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.
- Chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với ngành Thú y, chính quyền địa phương cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh Đậu mùa khỉ và các hoạt động phòng, chống; phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ.
4. Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ ở người và động vật, để người dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh.
5. Các Sở, ngành cấp tỉnh có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT, Y tế, UBND cấp huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phòng ngừa lây nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ ở động vật.
 NGUYỄN VIẾT LƯƠNG – PHÒNG QUẢN LÝ DỊCH BỆNH


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây