Triển khai khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa lũ do ảnh hưởng bão số 4 trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ sáu - 28/10/2022 03:32 170 0
Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn so với các tỉnh thành khác trong cả nước, nhưng chủ yếu là chăn nuôi theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ, dịch bệnh thường xuyên xảy ra và diễn biến hết sức phức tạp. Trong thời gian vừa qua, cơn bão số 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh miền trung, đặc biệt gây ra các đợt mưa, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
Triển khai khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa lũ do ảnh hưởng bão số 4 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra các bệnh: Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và Viêm da nổi cục trâu bò (VDNC), Cúm gia cầm H5N1, ... tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Sau cơn bão số 4, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan ra diện rộng trong thời gian tới là rất lớn, nguyên nhân do: Động vật mang trùng thường xuyên bài thải mầm bệnh ra ngoài môi trường; công tác khử trùng tiêu độc chưa thực hiện thường xuyên; tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt bảo hộ cho đàn vật nuôi; lưu lượng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn lớn, nhiều chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn gà bị ngập lụt. Mưa lũ đã cuốn trôi chất thải, phát tán mầm bệnh ra khắp nơi... do đó, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong thời gian tới là rất lớn.
Để chủ động tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch triển khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
I. MỤC TIÊU
- Tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi sau mưa lũ, hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh và lây lan.
- Chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đảm bảo bao vây, khống chế, dập dịch nhanh và hiệu quả, giữ an toàn sức khỏe cho đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.
II. PHẠM VI THỰC HIỆN
Tập trung phun tiêu độc, khử trùng tại các vùng chăn nuôi bị ngập lụt, có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, các ổ dịch cũ và ổ dịch mới xuất hiện (các dịch bệnh DTLCP, VDNC, CGC, LMLM, Tai xanh, Dại chó,...) cụ thể:
- Chuồng trại, khu vực chăn nuôi của hộ gia đình bị ngập lụt.
- Những nơi tập kết, thu gom động vật, các chợ đầu mối, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật, các điểm tắm rửa gia súc, phương tiện vận chuyển, dụng cụ phục vụ chăn nuôi...
- Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật; khu vực thu gom, xử lý chất thải động vật.
- Cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến động vật và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống.
III. NỘI DUNG VỆ SINH TIÊU ĐỘC, KHỬ TRÙNG
1. Nguyên tắc vệ sinh tiêu độc, khử trùng
- Thực hiện vệ sinh sạch sẽ; thu gom, xử lý chất thải, chất độn chuồng bằng cách đốt, chôn sâu hoặc ủ bằng phương pháp sinh học để tiêu diệt mầm bệnh.
- Người tham gia tiêu độc khử trùng phải mang bảo hộ lao động.
- Sử dụng hoá chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đảm bảo sức khoẻ cho người, động vật và không gây ô nhiễm môi trường.
2. Hình thức tiêu độc khử trùng
Thực hiện đồng loạt tại các huyện, thành, thị, trong phạm vi cả tỉnh.
3. Thời gian triển khai: Từ ngày 01/11/2022 -15/11/2022.
4. Hóa chất tiêu độc khử trùng
- Tổng số lượng: 4.071 lít hóa chất Benkocid từ nguồn Dự trữ Quốc gia năm 2021 chuyển sang (có bảng phân khai chi tiết kèm theo). Hiện nay, UBND tỉnh đang trình đề nghị Trung ương hỗ trợ, khi nào có sẽ cấp phát tiếp cho các huyện vào đợt 2.
- Ngoài ra, chính quyền cấp huyện, cấp xã và người chăn nuôi cần mua thêm các loại hóa chất khác nằm trong danh mục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng như Benkocid, Han-Iodine, Vinkon, vôi bột, Hantox, Deltox…, để đảm bảo công tác tiêu độc khử trùng được thực hiện có hiệu quả cao.
5. Biện pháp thực hiện
a. Đối với hộ gia đình, trang trại
- Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại, quét dọn thu gom phân rác để xử lý, khơi thông cống rãnh; rải vôi bột xung quanh khu vực chăn nuôi và lối ra vào; quét nước vôi tôi 20%  hoặc xử lý nhiệt lên tường, nền chuồng.
- Cọ rửa, vệ sinh kỹ bề mặt chuồng trại, máng ăn, máng uống bằng các chất tẩy rửa, thu gom nước thải để xử lý, dùng nước sạch thau rửa lại; trước khi phun thuốc sát trùng
- Thu gom xác động vật chết, tiến hành tiêu hủy, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, bị ngập lụt, khử trùng môi trường theo hướng dẫn của cơ quan thú y, Y tế.
- Tiêu diệt côn trùng ruồi, muỗi, ve mòng, chuột bọ, loài gặm nhấm...
- Thường xuyên kiểm tra các hố sát trùng tại cổng ra, vào chuồng trại, đảm bảo trong hố luôn có đủ vôi bột hoặc đủ lượng hóa chất với nồng độ đảm bảo sát trùng.
- Phun tiêu độc toàn bộ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, giày dép.., khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận, phương tiện vận chuyển động vật.
- Ngoài hóa chất được nhà nước hỗ trợ, người dân tự bỏ kinh phí mua thuốc diệt ruồi, muỗi, ve, mòng (Hantox, Deltox…) phun 10 ngày/lần để phòng bệnh VDNC ở trâu bò.
b. Cơ sở giết mổ
- Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, khơi thông cống rãnh.
- Các phương tiện vận chuyển và lồng chở gia súc, gia cầm phải được vệ sinh tiêu độc, khử trùng trước và sau khi vận chuyển.
- Khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ phải được thu gom phân, nước tiểu, thực hiện phun khử trùng tiêu độc sau khi động vật được đưa đi giết mổ.
- Vệ sinh tiêu độc khử trùng, thu gom các tạp chất xử lý đúng quy định sau mỗi ca sản xuất tại khu vực giết mổ.
c. Chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật, nơi tập kết động vật
- Quét dọn, xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp đốt hoặc chôn; phun thuốc sát trùng khu vực buôn bán cuối mỗi buổi chợ.
- Phương tiện, dụng cụ vận chuyển phải được phun khử trùng khi ra, vào chợ.
- Những quầy bán sản phẩm động vật phải được vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch, phun thuốc sát trùng cuối mỗi phiên chợ (chỉ phun những loại thuốc khử trùng không độc hại cho người tại khu vực bán thịt).

Hình 1. Tiêu độc khử trùng tại Chợ Ú – Đô Lương
d. Nơi công cộng, đường làng ngõ xóm
Quét dọn, vệ sinh sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, dùng vôi bột hoặc nước vôi tôi 10% để khử trùng đường làng ngõ xóm.
đ. Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật; khu vực thu gom, xử lý chất thải động vật
Quét dọn và phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực và vùng phụ cận hàng tuần.
e. Cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm
- Quét dọn vệ sinh sạch sẽ, thu gom vỏ trứng, trứng hỏng, gia cầm chết xử lý theo đúng quy trình.
- Tiêu độc khử trùng khu vực tiếp nhận trứng, giao sản phẩm, khu xử lý chất thải bằng hóa chất.
f. Cơ sở sơ chế, chế biến động vật và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống
- Quét dọn, vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc sát trùng khu vực sơ chế, chế biến cuối mỗi buổi làm việc. Thu gom xử lý chất thải rắn bằng biện pháp đốt hoặc chôn.
- Phương tiện, dụng cụ vận chuyển phải được phun khử trùng khi ra, vào cơ sở.
- Chỉ sử dụng những loại thuốc khử trùng không độc hại cho người và vật nuôi.

Hình 2. Tiêu độc khử trùng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh
6. Cách thức tiến hành
- Các trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tụ bỏ kinh phí mua vôi bột, hóa chất, tổ chức thực hiện theo hướng dẫn, giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y cấp huyện.
- Hộ chăn nuôi tiến hành thực hiện việc vệ sinh, quét dọn, thu gom phân rác để xử lý, mua thêm vôi bột, thuốc diệt ruồi, muỗi, ve, mòng, hóa chất khử trùng khu vực nuôi và chuồng trại.
- Sử dụng thuốc sát trùng phun cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống, nơi thu gom động vật, điểm tắm rửa, hố tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, nơi công cộng, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu… Việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch,…
- Tần suất phun khử trùng tiêu độc: đối với các ổ dịch: 01 lần/ngày; đối với các khu vực có nguy cơ cao: 1 lần/tuần.
7. Kinh phí thực hiện
- Nguồn hóa chất: Cấp không thu tiền từ nguồn dữ trữ quốc gia.
- Ngân sách Tỉnh: Hỗ trợ kinh phí chỉ đạo, vận chuyển hóa chất từ tỉnh về các huyện, thành phố, thị xã.
- Ngân sách huyện: Hỗ trợ kinh phí vận chuyển, bốc dỡ về các xã. Đồng thời mua thêm hóa chất, vôi bột và kinh phí kiểm tra chỉ đạo cấp huyện, tiền công phun và tiền xăng máy động cơ.
- Ngân sách xã, người chăn nuôi: Mua thêm vôi, hóa chất để khử trùng môi trường chăn nuôi đạt hiệu quả.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Chi cục Chăn nuôi và Thú y
- Phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo, kiểm tra tổ chức triển khai vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch được phê duyệt.
- Cung ứng kịp thời hoá chất để các huyện, thành, thị tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo kế hoạch.
- Kiểm tra, đôn đốc công tác tiêu độc khử trùng tại các huyện, thành phố, thị xã.
2. Các cơ quan truyền thông, đài PTTH huyện, tỉnh
Phối hợp chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn kịp thời đưa tin và tuyên truyền rộng rãi kế hoạch vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi để nhân dân hưởng ứng và thực hiện.
3. UBND các huyện, thành, thị
- Xây dựng Kế hoạch triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ; giao trách nhiệm cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện tiếp nhận, cấp phát hóa chất, giám sát, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo công tác tiêu độc khử trùng, thu gom, tổ chức tiêu hủy vỏ lọ và hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán theo quy định.
- Chỉ đạo UBND cấp xã, các ban, ngành liên quan tổ chức triển khai vệ sinh tiêu độc khử trùng, trên cơ sở số hóa chất tỉnh cấp và hóa chất huyện bổ sung, phân khai cho các địa phương, cụ thể:
+ Ưu tiên những xã bị ngập lụt nặng, đang có dịch, ổ dịch cũ, những xã có mật độ chăn nuôi cao,hố chôn động vật...
+ Xã có chợ đầu mối buôn bán gia súc, gia cầm, địa điểm thu gom gia súc, gia cầm, vùng nguy cơ cao...
- Trường hợp dịch xảy ra, khẩn trương triển khai cấp bách công tác phun tiêu độc khử trùng vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, UBND cấp xã triển khai thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường theo kế hoạch đã đề ra.
- Giám sát Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thu gom vỏ lọ hóa chất và tiêu hủy đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
- Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các địa phương, chú trọng những địa bàn có nguy cơ cao, trang trại chăn nuôi, khu vực giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm, điểm thu gom, sơ chế, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống.
- Hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch vệ sinh tiêu độc khử trùng tại địa phương.
- Báo cáo tiến độ triển khai, kết quả thực hiện, hồ sơ thanh quyết toán hóa chất về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) khi hoàn thành đợt khử trùng tiêu độc để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh.
NGUYỄN VIẾT LƯƠNG – PHÒNG QUẢN LÝ DỊCH BỆNH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây