QUY TRÌNH XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI, MÔI TRƯỜNG CHĂN NUÔI TRONG VÙNG DỊCH VÀ VÙNG CÓ NGUY CƠ BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Thứ tư - 20/04/2022 04:51 384 0
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra hết sức phức tạp, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Trong khi đó, tình trạng chăn nuôi lợn để chất thải chưa được xử lý ra môi trường còn khá phổ biến. Đây là mối nguy làm lây lan dịch bệnh ra diện rộng, đồng thời làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Do vậy, ngoài việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi thì việc xử lý chất thải cũng cần phải được coi trọng.
QUY TRÌNH XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI, MÔI TRƯỜNG CHĂN NUÔI TRONG VÙNG DỊCH VÀ VÙNG CÓ NGUY CƠ BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI


      H1: Khu xử lý chất thải chăn nuôi của công ty Masan tại Quỳ Hợp
Trước thực tế trên, xử lý chất thải chăn nuôi đối với bệnh DTLCP theo quy trình hướng dẫn của Cục chăn nuôi đã ban hành Quyết định số 267 /QĐ-CN-MTCN ngày 16/12/2021 về việc Công nhận Quy trình xử lý chất thải chăn nuôi, môi trường chăn nuôi, cụ thể như sau:Quyết định công nhận 02 quy trình xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi do Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng:
         – Quy trình công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi trong khu vực chăn nuôi bị bệnh Dịch tả heo Châu Phi theo các quy mô khác nhau.
        – Quy trình công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi trong vùng có nguy cơ bị bệnh Dịch tả heo Châu Phi.
       Quyết định đã có hiệu lực từ ngày ký, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo và hướng dẫn tổ chức áp dụng các quy trình được ban hành theo Quyết định này. Nội dung quy trình kỹ thuật hướng dẫn tiêu độc khử trùng như sau:
       – Đối với chuồng nuôi cần làm sạch cơ học khu vực chăn nuôi trước khi sát trùng.                       
        Thu gom toàn bộ chất thải mang ra ngoài để chôn lấp hoặc đốt. Dùng nước sạch rửa toàn bộ nền, vách, tường, máng ăn, máng uống, diện tích bề mặt chuồng nuôi, đợi 1h cho phân và bụi bẩn bong tróc ra; sau đó, rửa sạch lại bằng nước với vòi phun áp lực cao và chờ khô; lặp lại bước này ít nhất 2 lần. Phun thuốc sát trùng chuồng trại bằng các loại thuốc sát trùng có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam như Glutaraldehyde, Iodine, Chloramin, VirkonS … theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Phun thuốc sát trùng định kỳ 1 lần/ngày toàn bộ chuồng nuôi. Phun dung dịch vôi 1% lên toàn bộ bề mặt chuồng trại như nền chuồng, lối đi, hành lang, cổng trại, đường vào trại…
        –  Đối với dụng cụ chăn nuôi như ủng, lồng úm, cào sủi phân, máng ăn, giàn mát…: trước hết làm sạch cơ học, rồi ngâm dụng cụ trong dung dịch xút 1% ít nhất trong 12 tiếng, sau đó cọ rửa bằng nước sạch, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, rồi phun thuốc khử trùng toàn bộ bề mặt. Lặp lại ít nhất 2 lần.
      – Đối với hệ thống núm uống và hệ thống ống dẫn nước: tháo dỡ toàn bộ hệ thống núm uống và ống dẫn nước, ngâm trong dung dịch xút 1% ít nhất 12h. Sau đó làm sạch lòng ống dẫn nước bằng cách xả hết nước trong đường ống, pha thuốc sát trùng để ngâm đường ống này ít nhất 24h. Xả rửa lại bằng nước sạch. Lặp lại ít nhất 2 lần.
      – Đối với phương tiện vận chuyển thức ăn, thiết bị chăn nuôi, xe chở phân, chất thải cần thực hiện như sau: Thu gom, quét sạch phân, rác chất thải trong xe. Rửa sạch toàn bộ bề mặt xe như thùng xe, bánh xe, gầm xe…bằng nước xà phòng 1%; sau đó, rửa lại bằng nước sạch với vòi phun áp lực cao và chờ khô; lặp lại ít nhất 2 lần bước này. Sau đó phun thuốc sát trùng ướt toàn bộ bề mặt xe, sàn, trong và thành xe.
           Ngoài ra, quy trình còn quy định về phương pháp tiêu độc, khử trùng đối với người tham gia tiêu hủy; phương pháp xử lý, tiêu hủy chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp có bổ sung chế phẩm men vi sinh, công nghệ ép tách phân; phương pháp xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống công trình khí sinh học (biogas), xử lý nước thải bằng bể lắng nước thải.

Mặc dù hiện nay phần lớn chất thải chăn nuôi đã được kiểm soát và xử lý qua các công trình hố ủ phân, biogas hoặc chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, tuy nhiên vẫn còn một lượng lớn chất thải chăn nuôi chưa được thu gom xử lý trước khi thải ra môi trường.Việc sử dụng chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý để làm phân bón cho cây trồng vẫn còn, nguồn chất thải này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.Về các biện pháp xử lý kỹ thuật đã được áp dụng nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến trường do chất thải chăn nuôi. Trong đó, các phương pháp xử lý chất thải chăn nuôitheo quy định được hướng dẫn như sau:
  1. Phương pháp xử lý chất thải rắn hữu cơ
Bước1: Lựa chọn địa điểm hố chôn lấp
            - Hố chôn lấp phải cách nhà dân, giếng nước khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và đủ diện tích. Không lựa chọn chôn ở vùng ngập nước hoặc có mực nước ngầm nông
            - Nên chọn hố chôn trong khu vực có nhiều cây xanh để quá trình phân giải trong hố chôn xảy ra nhanh chóng, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Bước 2: Đào hố chôn theo quy định QCVN 01-41:2021/BNNPTNT

H2: Quy trình đào hố chôn theo quy định QCVN 01-41:2021/BNNPTNT
Bước 3:Chất thải được cho vào bao chứa, dùng phương tiện vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy phải đảm bảo vệ sinh thú y theo quy định. Không vận chuyển lợn, thức ăn, chất thải hay dụng cụ khác chung phương tiện. Phải thực hiện sát trùng phương tiện vận chuyển trước và sau khi vận chuyển.
Bước 4: Đắp thêm đất ở miệng hố theo hình chóp cụt với chiều cao khoảng 0.6-1m, rộng 0.3-0.4m
Bước 5: Phía ngoài khu vực hố chôn, cách khoảng 1m, tạo thành một rãnh nước với kích thước rộng 20-30cm và sâu 20-25cm có tác dụng dẫn nước mưa thoát ra ngoài.
Bước 6:Trên bề mặt hố chôn rắc vôi bột với lượng 0.8kg/m2 hoặc phun dung dịch chlorine nồng độ 2% với lượng 0.2-0.25l/m2, diêt mầm bệnh phát tán trong quá trình thao tác
Bước 7: Đặt biển cảnh báo khu vực chôn lấp chất thải, hạn chế sự qua lại của người và vật nuôi quanh khu vực chôn lấp
Xử lý tiêu hủy chất thải rắn hữu cơ bằng công nghệ ép tách phân: hỗn hợp phân và nước thải chảy qua hệ thống ép tách phân. Phần chất rắn được chôn lấp có bổ sung sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi để tạo phân bón hữu cơ như trên. Phần nước thải chảy vào hệ thống công trình khí sinh học Biogs
  1. Phương pháp xử lý chất thải lỏng
2.1.Xử lý nước thải bằng hệ thống công trình khí sinh học Biogas
           - Thường xuyên theo dõi hoạt động và nhiệt độ công trình khí sinh học biogas. Nếu biogas hỏng cần hút toàn bộ phân trong bể và xử lý sạch sẽ
           - Bổ sung sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo quy mô chăn nuôi
2.2.Xử lý nước thải bằng bể lắng nước thải: Các cơ sở chăn nuôi quy mô cần xây bể chứa trước và sau Biogas để tách phần chất thải rắn và lỏng; chất thải rắn được xử lý, nước thải từ sau hệ thống biogas thải ra xử lý bằng hóa chất khử trùng trước khi thải ra ngoài môi trường
Nội dung tham khảo:
– Quyết định 267/QĐ-CN-MTCN về công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi
– Phụ lục Quy trình công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi trong khu vực chăn nuôi bị bệnh Dịch tả heo Châu Phi
– Phụ lục Quy trình công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi trong vùng có nguy cơ bị bệnh Dịch tả heo Châu Phi.
                                        PHÒNG QUẢN LÝ GIỐNG VÀ KỸ THUẬT CHĂN NUÔI
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây