Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu trong việc khống chế các ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò

Thứ hai - 29/08/2022 04:07 354 0
Theo thống kê tình hình dịch bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu, bò cho thấy, năm 2021 dịch bệnh xảy ra 353 ổ dịch ở nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại 21 huyện, thành, thị, đã làm nhiều con trâu, bò bị chết và những tháng đầu năm 2022, đã xẩy ra 03 ổ dịch tại Yên Thành và Nghi Lộc. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan chuyên môn đến các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh VDNC nên các ổ dịch đã được khống chế trong diện hẹp.
Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, tổng đàn trâu bò lớn nhất cả nước (772 nghìn con), nhưng chủ yếu chăn nuôi bằng hình thức nhỏ lẻ, thả rông, nhất là các huyện miền núi, nên việc giám sát dịch bệnh và công tác triển khai tiêm phòng gặp nhiều bất lợi. Đặc biệt, năm 2020-2021 khi không còn chức danh thú y xã, nhiều huyện, nhiều xã không hợp đồng, không bố trí được thú y, nên triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu các văn bản chỉ đạo kịp thời, sát đúng trình Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh ban hành tập trung chỉ đạo bao vây, khống chế các ổ dịch trong diện hẹp.
Với phương châm tiêm phòng vắc xin là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm nhất trong công tác phòng chống dịch, năm 2021 Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức tiêm phòng, đã tiêm được 249.210 liều vắc xin VDNC, nhờ đó hiện nay các ổ dịch đã được khống chế, không phát sinh và lây lan. Công tác tuyên truyền về phòng chống bệnh VDNC trên các kênh thông tin được duy trì thường xuyên, ngoài ra Chi cục luôn chủ động trong việc tham mưu kịp thời cho Sở, UBND tỉnh trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh VDNC. Tổ chức nhiều cuộc tập huấn cho UBND các huyện, thành, thị, các ngành có liên quan trong công tác tiêm phòng, phòng chống dịch VDNC.
Thành lập Đoàn kiểm tra công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh VDNC tại các địa phương. Qua công tác kiểm tra cho thấy, hầu hết các huyện đã chủ động tham mưu, ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc; tuyên truyền về triệu chứng bệnh, cách phòng chống bệnh VDNC; thực hiện tiêm phòng, khử trùng tiêu độc theo kế hoạch của tỉnh; có tủ lạnh bảo quản vắc xin; thực hiện quyết toán nguồn vắc xin, hóa chất được cấp đúng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; chủ động giám sát dịch bệnh, khống chế dịch kịp thời; thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các xã.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh VDNC trên đàn trâu, bò, Chi cục đã tham mưu trình Sở Nông nghiệp và PTNT về Kế hoạch phòng chống dịch bệnh VDNC trâu, bò giai đoạn 2022- 2030, Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và ban hành Quyết định số 5197/QĐ-UBND ngày 30/12/2021. Đến nay có 21/21 huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC giai đoạn 2022-2030.  
Về tiêm phòng vắc xin VDNC: Các huyện được hỗ trợ vắc xin phòng chống dịch đã triển khai tiêm phòng đầy đủ, đảm bảo đúng hướng dẫn, bên cạnh đó các huyện, xã trích ngân sách, hộ chăn nuôi tự bỏ kinh phí để mua vắc xin tiêm phòng nên dịch bệnh VDNC đến nay cơ bản đã được khống chế.
Trong công tác tuyên truyền, hầu hết các huyện thực hiện tuyên truyền bằng hình thức trên sóng truyền hình huyện, phát thanh huyện, xã, lồng ghép các lớp tập huấn xuống tận người dân, một số huyện thực hiện phóng sự, chuyên đề. Các huyện thực hiện công tác tuyên truyền tốt, như: TP Vinh, Anh Sơn, Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn, Thanh Chương, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu,...
Thực hiện tốt Kế hoạch phòng chống bệnh VDNC năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu trình Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, thực hiện tốt các nội dung công việc đã đề ra, như: Tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí mua vắc xin VDNC tiêm phòng để chống dịch khẩn cấp cho đàn trâu, bò khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các địa phương chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC theo kế hoạch hàng năm. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn chuyên môn về phòng chống dịch bệnh VDNC, an toàn dịch bệnh. Tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng cho đàn trâu, bò đạt tỷ lệ ≥80% tổng đàn thuộc diện phải tiêm. Lấy mẫu xác định lưu hành bệnh VDNC để dự báo sớm về dịch bệnh.
Từ nay đến cuối năm 2022, dự tính lưu lượng buôn bán, vận chuyển đi qua địa bàn tỉnh rất lớn. Do đó dịch bệnh VDNC có khả năng xẩy ra trên đàn trâu, bò bất cứ lúc nào, nhất là vào những tháng thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện cho côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) sinh sôi, phát triển. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y với chức năng, nhiệm vụ được giao luôn chủ động nắm bắt, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi để tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh trong việc hạn chế, ngăn ngừa và không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng trên địa bàn, phối hợp các cơ quan chuyên môn tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ thú y về phòng, chống dịch bệnh; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Để phòng, chống dịch bệnh VDNC một cách hiệu quả, đối với UBND các huyện, thành, thị, cần bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Đặc biệt là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân biết và phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Khuyến khích các trang trại chăn nuôi trâu, bò: xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh VDNC. Cùng đó, các địa phương chỉ đạo người chăn nuôi mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn trâu, bò; đồng thời căn cứ Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND, khẩn trương chỉ đạo UBND cấp xã bố trí người hoạt động không chuyên trách đảm nhiệm chức danh thú y cấp xã để tổ chức tốt công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh năm 2022.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, bệnh VDNC hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; do vậy người chăn nuôi cần tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu, bò là biện pháp chủ động, hữu hiệu nhất để phòng bệnh; cùng đó là vệ sinh chuồng trại, tiêu diệt ve, mòng, ruồi, muỗi. Khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh cần nuôi nhốt, cách ly điều trị để tránh lây lan, đồng thời báo với chính quyền địa phương biết để phối hợp với ngành chuyên môn kịp thời phòng chống dịch./.
                                                                      
                                                                        Nguyễn Như Kỳ
                                                                Phòng Quản lý dịch bệnh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An

    Số 55, Nguyễn Sinh Sắc, phường Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
    02383844586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây